Năm 2007, Lê Nguyễn Minh Phương là tân sinh viên nghèo nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ khi trúng tuyển vào Trường đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng.
Trong hồ sơ năm ấy giới thiệu đến chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” có những dòng ghi chú: “Gia đình gặp biến cố lâm vào cảnh khó khăn, hiện ở cùng mẹ trong căn phòng tập thể cấp 4 dột nát hơn 10m2. Đây là sinh viên có nhiều năng khiếu đặc biệt, nhất là về âm nhạc”.
17 năm sau, chúng tôi trò chuyện với tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Phương (giáo sư Đại học ở Hàn Quốc) khi cô vừa về Hà Nội tham dự Hội nghị người Việt toàn thế giới lần thứ 4. Minh Phương đi lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc như “đi chợ” có khi vì lịch công tác, có khi vì những lời mời làm diễn giả hay tham dự hội nghị.
* Chúng tôi vẫn còn nhớ những ghi chú lời giới thiệu của bạn vào năm đó. Bạn có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh của Minh Phương ngày ấy?
– Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường. Nhờ có ba là họa sĩ và quen biết nhiều văn nghệ sĩ trong thành phố mà từ nhỏ tôi đã được theo học các bộ môn năng khiếu như đàn, múa, vẽ…
Nhưng khi gia đình gặp biến cố và lâm vào cảnh khó khăn, chỉ còn mình mẹ tôi với gánh nặng kinh tế và con cái trên vai. Đó là một cú sốc lớn. Tôi đã mất đi động lực học tập vì lúc đó chỉ nhìn thấy hình ảnh mẹ một mình vất vả ngược xuôi.
Suốt những năm sau đó tôi đã từng nhiều lần muốn từ bỏ việc học để phụ giúp mẹ trang trải nợ nần. Để có tiền sinh sống, tôi làm nhiều việc để phụ giúp mẹ. Đó cũng chính là khoảng thời gian tôi mua sách về tự học thi các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế, sau khi đạt chứng chỉ rồi thì tiếp tục tự học tiếng Hàn.
Thời điểm đó hai mẹ con ở trong căn nhà tập thể chưa tới 10m2. Ngay sau cơn bão Xangsane 2006, căn phòng ấy bị xuống cấp nghiêm trọng. Có những hôm mưa dột khắp cả nhà chỉ còn đúng một góc treo màn để ngủ, lấy áo mưa che xung quanh để đỡ bắn nước mưa từ các chậu hứng nước quanh nhà.
Có những hôm nằm thấy ánh sáng xuyên qua mái nhà, tâm trạng tôi rối bời chẳng thiết tha gì nữa. Tôi nói với mẹ muốn bỏ học, nhưng bà tuyệt nhiên không đồng ý.
* Học bổng đã tiếp sức cho bạn được nhiều không?
– Tôi tính nghỉ học đi làm công ty, nhưng mẹ kiên định và quyết liệt với việc học của tôi. Tôi đã tập trung ôn thi đại học và thi đậu vào khoa tiếng Hàn, Trường đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Sự cố gắng này giúp tôi trở thành một trong số 27 tân sinh viên Đà Nẵng được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”, và còn nhận được học bổng đầu vào của một doanh nghiệp Hàn Quốc.
Học bổng “Tiếp sức đến trường” là bước đệm đầu tiên để tôi tự tin khi bước đến giảng đường đại học. Từ học bổng ban đầu khơi dậy trong tôi sự tự tin với ước mơ, trong những năm đại học, tôi liên tục cố gắng để nằm trong danh sách nhận học bổng của khoa, của trường.
* Theo học trong nước đã khó, với hoàn cảnh như thế bạn làm thế nào hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ở Hàn?
– Khi tốt nghiệp đại học, để nghiên cứu chuyên sâu thêm về chuyên ngành của mình, tôi đã tìm kiếm thông tin và đăng ký thi học bổng Chính phủ Hàn Quốc.
Năm 2013 khi nhận được học bổng đi Hàn, tôi quyết định sẽ đưa con gái và mẹ ruột sang cùng sau một thời gian ổn định và tìm nhà thuê ngoài ký túc xá. Dù biết là khó khăn trăm bề khi chính bản thân mình cũng không dám chắc chắn về tương lai phía trước, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện.
Đó là một giai đoạn khó khăn và nhiều áp lực về cả tâm lý và tài chính. Chúng tôi ở căn phòng còn bé hơn cả căn nhà cấp 4 ở Việt Nam, nằm trên tầng thượng của một tòa nhà. Mùa đông tuyết đóng dày ngoài cửa, mùa hè thì rất nóng vì không có điều hòa. Có lẽ ngày ấy động lực để cả gia đình ba người sống được trong căn phòng ấy là câu nói “ở đâu cũng được, chỉ cần ở cùng nhau”.
Cuộc sống của ba người ở xứ lạ không hề dễ dàng khi mẹ tôi không biết tiếng Hàn. Học phí đắt đỏ nên con tôi cũng không đi học mẫu giáo, mẹ dạy ở nhà.
Sau khi qua Hàn học thạc sĩ, tôi tiếp tục nhận học bổng cho sinh viên nước ngoài có thành tích xuất sắc để nhập học chương trình tiến sĩ tại Trường đại học Yonsei. Ngoài học bổng này, tôi cũng được nhận các học bổng từ những tổ chức uy tín và các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Từ học bổng đầu tiên với chương trình “Tiếp sức đến trường”, đến nay tôi đã nhận được gần 20 loại học bổng lớn nhỏ như: học bổng Nguyễn Thái Bình “Vườn ươm nhân tài”, học bổng “Nhân tài toàn cầu” Tập đoàn Daewoong, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Doosan, Tập đoàn Kumho, Tập đoàn Booyoung và lớn nhất là Học bổng Chính phủ Hàn Quốc…
Những học bổng đó đã như những chiếc phao quý giá đến với tôi khi lênh đênh giữa biển khơi, tiếp thêm động lực cho tôi rất nhiều trên con đường học tập, đến gần hơn với ước mơ của mình là chia sẻ kiến thức và giúp đỡ những người trẻ đi sau.
* Và rồi bạn thường xuyên “truyền lửa”, hướng dẫn cách săn học bổng du học…
– Tôi luôn cảm thấy biết ơn những “cánh tay” chìa ra giúp đỡ mình lúc khó, nên luôn muốn làm gì đó cho những người đi sau như một cách để cảm ơn.
Tôi đã từng làm những video hướng dẫn cách đăng ký học bổng, cũng đã từng làm khách mời trong một số chương trình của VTV, VTC, VOV… để chia sẻ thông tin về các chương trình học bổng du học Hàn Quốc.
Đã có nhiều bạn trẻ được tiếp thêm động lực từ đó, qua Hàn du học thành công, tìm đến đăng ký đúng trường tôi từng dạy, hoặc tham gia vào những cộng đồng mà tôi vẫn hay chia sẻ trên trang cá nhân.
Hiện tại, với công việc giảng dạy là giáo sư người nước ngoài ở một trường đại học, tôi vẫn hằng ngày chia sẻ kiến thức và tư vấn cho nhiều bạn sinh viên và những bạn trẻ khác tìm đến tôi qua các bài báo và các kênh mạng xã hội.
Tôi đang theo đuổi việc thiết kế và kết nối các chương trình học bổng du học giúp các bạn sinh viên không có điều kiện nhưng ham học có thể thực hiện được ước mơ du học bằng chính năng lực của mình.
Tôi cũng từng là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn và chưa bao giờ dám mơ sẽ được đi du học, nhưng tôi đã được “Tiếp sức đến trường”. Và tôi đang cố gắng để mang nền giáo dục quốc tế về với nhiều bạn trẻ ở Việt Nam như tôi ngày trước, truyền cho các bạn niềm tin vào sức mạnh của ý chí và sự nỗ lực.
* Bước ra thế giới từ trong khốn khó, bạn có những lời khuyên nào gởi đến những tân sinh viên khó khăn hôm nay?
– Với tôi, động lực để cố gắng đến từ việc luôn ý thức được xuất phát điểm của mình chậm hơn so với mọi người. Những ngày đầu dù nhận học bổng toàn phần để đi du học, mọi thứ với tôi như con số 0 tròn trĩnh.
Không có tiền dự phòng, không có gì trong tay, cũng không thể dựa dẫm vào ai khác. Tôi ở thời điểm đó chưa từng nghĩ sẽ ở lại và gắn bó với Hàn Quốc được lâu đến vậy, bởi gánh nặng trên vai là rất lớn khi còn phải lo cho cả gia đình ở Việt Nam. Nhưng trong những lúc khó khăn nhất tôi cũng chưa từng từ bỏ niềm đam mê học tập của mình.
Thay vì đến trường, tôi mua sách về tự học, tôi lắng nghe và học hỏi nhiều từ những người đi trước, quan sát và đúc rút bài học kinh nghiệm từ những gì tôi thấy, tôi gặp, tôi nghe được trong cuộc sống.
Tôi nghiệm ra một điều rằng, áp lực cũng có thể biến thành động lực. Khi gặp thử thách cũng chính là lúc được trao cơ hội. Đừng nghĩ tiêu cực khiến bản thân cảm thấy chán nản, chúng ta nỗ lực hơn và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Đặc biệt, không phải ai cũng ở trạng thái sẵn sàng khi cơ hội tìm đến. Tôi luôn nhắc nhở sinh viên của mình “Không phải cứ chờ cơ hội đến thì mình mới cố gắng, mà lúc nào cũng phải sẵn sàng cố gắng 200% hoặc hơn”.
* Nếu được chọn để du hành thời gian trở về 20 năm trước, bạn muốn mình thành phiên bản nào?
– Tôi từng muốn thay đổi quá khứ. Nhưng mãi sau này, khi đã trải qua quá nhiều chuyện, tôi thấy nếu không khó khăn, mất mát thì làm sao biết trân trọng khi có được hạnh phúc và bình yên. Con người trước thử thách thường có sức chịu đựng vượt xa mong đợi. Có lẽ vì được qua thử lửa như thế mà khả năng làm việc với cường độ cao và khả năng chịu đựng áp lực của tôi ngày một tốt hơn.
Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại link này, hoặc quét mã QR.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, nhân vật mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
TRƯỜNG TRUNG
Nhân vật cung cấp
17-9-2024