GS Aaron Voon-Yew Thean nhấn mạnh một thế mạnh tự nhiên của các trường đại học Việt Nam là sở hữu cộng đồng sinh viên rất năng động và tài năng. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà chương trình giảng dạy luôn chịu áp lực phải đổi mới.
Nhiều trường thay đổi để sinh viên tiếp cận được những kiến thức cập nhật và có thể thích ứng với nền kinh tế mới, môi trường mới.
Đào tạo bán dẫn từ thạc sĩ đến cử nhân
* Làn sóng đào tạo bán dẫn đang được các trường đại học Việt Nam rất quan tâm. Năm 2024, lần đầu tiên nhiều trường đại học tại Việt Nam chính thức có các ngành học liên quan đến bán dẫn. Tại Singapore và NUS nói riêng, xu hướng đào tạo ngành bán dẫn như thế nào, thưa ông?
– Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhu cầu nhân lực trong ngành bán dẫn tại Singapore chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng. Nhìn chung, có nhiều khâu trong ngành này đang cần lao động, từ thiết kế đến các công nghệ sản xuất.
Tại NUS, chúng tôi chọn bắt đầu bằng chương trình đào tạo ở bậc thạc sĩ. Các sinh viên cao học sẽ được tiếp xúc với nhiều mảng trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ công nghệ, quy trình đến những hoạt động kinh doanh.
Còn ở bậc cử nhân, chúng tôi tạo điều kiện để hầu hết sinh viên theo học các ngành kỹ thuật, chẳng hạn khoa học vật liệu hay điện tử, đều có thể tiếp cận thêm một số khóa học chuyên biệt về bán dẫn.
* Theo ông, đâu là những lợi thế và thử thách của các trường đại học khi đào tạo một ngành mới và “nóng” như bán dẫn?
– Rõ ràng, muốn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ bán dẫn một cách đầy đủ không hề đơn giản.
Việc đưa các môn học thuộc lĩnh vực bán dẫn vào các chương trình giảng dạy trong trường đại học đòi hỏi phải thiết kế kỹ lưỡng và được đầu tư nền tảng công nghệ. Công nghệ càng tiên tiến thì càng tốn nhiều tiền, đặc biệt cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và điều kiện thực hành, thí nghiệm.
Tuy nhiên, không phải khâu đào tạo nào cũng ngốn kinh phí. Chẳng hạn ở các giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản, nền tảng cho sinh viên, các trường đại học hoàn toàn có thể đáp ứng cho người học mà không tốn nhiều chi phí. Vấn đề ở đây chỉ là thiết kế chương trình thích hợp và mời được các chuyên gia giỏi giảng dạy.
Về cơ sở vật chất và trang thiết bị, tôi nghĩ đòi hỏi sự phối hợp giữa đại học và doanh nghiệp. Việc phát triển của các doanh nghiệp và của các trường đại học nên song song.
Khi đó, hai bên có thể tận dụng được nguồn lực của nhau trong khâu đào tạo. Chương trình cũng sẽ được thiết kế thích hợp giữa phần nền tảng tại trường đại học và ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp.
Nhiều cơ hội hợp tác
* Trong năm 2024, chúng tôi nhận thấy NUS có rất nhiều hoạt động hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam. Vì sao NUS lại “hướng về” Việt Nam như thế?
– NUS (một đại học quốc gia) là một đại diện cho Singapore. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm vươn ra quốc tế. Khi xem xét tình hình địa chính trị hiện nay, chúng tôi nhận thấy Đông Nam Á nên xích lại gần nhau.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore là những người bạn tuyệt vời trong nhiều năm qua và hiện là lúc các đại học cũng phải tham gia bồi đắp cho mối quan hệ này.
Vậy các đại học sẽ nhận được gì? Tôi nghĩ trên hết là trao đổi ý tưởng, khơi thông luồng giao lưu kiến thức và năng lực. Chúng tôi xem ý tưởng cũng là giá trị: các đại học Việt Nam có thể tham khảo những mô hình hay của NUS, và ngược lại NUS cũng học hỏi được từ những kinh nghiệm của các đại học Việt Nam.
Sắp tới, sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam coi Singapore là nơi học tập hoặc xây dựng sự nghiệp. Đồng thời, các bạn trẻ Singapore cũng sẽ tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
GS Aaron Voon-Yew Thean:
Tham khảo kinh nghiệm Singapore
Một trong những thách thức cho các trường đại học Việt Nam là phải theo kịp công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng hợp tác, vươn ra thế giới sẽ giúp ý tưởng luôn tuôn chảy và mọi người đều được vươn lên một tầm cao hơn.
Trong những buổi gặp gỡ với các đại học Việt Nam, chúng tôi cũng thường cung cấp cho họ kinh nghiệm từ Singapore, giải thích cho họ cách chúng tôi đã làm để họ có thêm một góc nhìn tham khảo.
Aaron Voon-Yew Thean là giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Hiện tại, ông đang giữ chức phó chủ tịch (deputy president) kiêm hiệu trưởng (provost) của NUS.