Thực hiện: ĐOÀN NHẠN – THANH NGUYÊN – NHÃ CHÂN-– DIỄM HƯỜNG
Những tang tóc quá đau thương của một đứa trẻ
Nói với chương trình Tiếp sức đến trường, ông Trần Hữu Chính (61 tuổi), bác ruột của Nhật, kể từ nhỏ Nhật đã rất thiệt thòi vì ba bị bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa mê. Đến năm 2014, trong một lần phát bệnh, người đàn ông khốn khổ ấy đã tự thiêu mình, bỏ lại vợ con.
Ít lâu sau, mẹ Nhật mắc bệnh ung thư, chạy chữa khắp nơi nhưng rồi cũng không qua khỏi. Nhìn đứa cháu bơ vơ, ông Chính và chú của Nhật gom góp từng đồng nuôi cháu.
“Nhưng mình chỉ lo được cho cháu bữa ăn, cái quần cái áo, chứ đâu bù đắp được sự thiếu thốn tình cảm của cha mẹ được. Trước đây thêm cháu chỉ thêm chén, thêm đũa thì còn dễ, nay nó vào đại học, học phí mỗi kỳ mười mấy triệu. Tôi và chú nó thực sự không kham nổi”, ông Chính nói.
Ông Chính tuổi cao lại mắc căn bệnh lao màng não. Vợ ông bị khiếm thị, phải sống dựa vào con cái nên dù thương cháu nhưng cũng đành chịu.
Kiên quyết tự lập và món nợ đầu đời
Căn nhà nhỏ của Nhật nằm sâu hút trong con hẻm trên đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Lũ lụt liên miên khiến vách tường chi chít những mảng thấm, bong tróc. Gian trước để bàn thờ ba, mẹ, bộ bàn ghế và bàn học của Nhật. Một gian hẹp phía sau đặt chiếc giường ngủ ngăn cách với bếp.
Ông Chính nói rằng từ khi tốt nghiệp THPT, Nhật đã không muốn cậy nhờ chú bác nữa mà tự lo cho mình. Nhật ý thức được chú, bác đều khó khăn.
Từ năm 2021, khi mẹ qua đời, thấy bác vất vả lo cho bữa ăn, tiền học, Nhật cũng tranh thủ những ngày hè xin phụ quán cà phê, phụ hồ… để kiếm thêm chút tiền lo mua sắm dụng cụ học tập.
Ngày Nhật đậu vào Trường đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, ông Chính chạy vạy vay mượn giúp cháu mười mấy triệu đồng để cháu kịp nhập học. Đó cũng là khoản nợ đầu tiên khi Nhật bắt đầu tự lo cuộc sống cho mình.
Quần quật giao hàng nuôi lớn ước mơ kiến trúc sư
Thi xong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia, Nhật bắt đầu lao vào kiếm việc bởi biết khi vào đại học, nhiều chi phí phải tự lo. Từ con xe máy cũ của mẹ để lại, Nhật lần tìm vào các hội nhóm shipper hỏa tốc ở Đà Nẵng. Khi có người đăng bài cần shipper giao hàng nhanh trên nhóm, Nhật sẽ vào “tranh đơn”, may mắn được chọn thì chạy đi giao.
Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nhận đơn, mõi ngày Nhật chỉ chạy được vài đơn ít ỏi. Sau này khi đã quen, mỗi ngày có được hơn chục đơn, mỗi đơn với mức phí khoảng 15.000 – 30.000 đồng.
Ngày mưa, nhiều shipper sẽ nghỉ, nhưng Nhật vẫn chạy, vì lúc đó mới dễ tranh được đơn. Có những lúc xe hư giữa đường giao hàng, gặp khách khó tính hủy đơn đồ ăn, thế là Nhật lại phải đem về ăn. Gặp đơn hàng giá trị cao là coi như cả ngày công sức giao hàng mất hết, bởi là shipper tự do, không có đơn vị nào bảo đảm quyền lợi cho mình.
Mỗi ngày Nhật chạy giao hàng từ 7h đến 22h mới về. Có những ngày Nhật chạy xuyên ca đến 2h sáng.
Mỗi khi bụng réo lên vì đói, Nhật ăn vội ổ bánh mì, hay hộp cơm vỉa hè để kịp giao hàng. Ngày nào nhận được ít đơn là nhịn hoặc pha gói mì tôm qua bữa. Nhật kể, có hôm quyết nấu bữa cơm có món trứng chiên, bát canh rau. Nhưng hì hục nấu xong, dọn mâm cơm ra lại không thể nào nuốt nổi vì nhớ ba, mẹ và nỗi cô độc lại ùa về. Thắp nén nhang lên bàn thờ, trước di ảnh ba mẹ, Nhật lại nguyện cầu cho ba mẹ ở nơi chín suối thanh thản, nói rằng mình vẫn sống tốt để ba mẹ an lòng.
Nhật tâm sự: “Hồi ba mất, tôi còn quá nhỏ nên chưa hiểu. Chỉ hình ảnh mẹ gào khóc bên thi thể ba là vẫn in sâu trong tâm trí của mình. Nhưng đến khi mẹ qua đời, điểm tựa duy nhất cũng không còn. Có thời gian tôi như người mất hồn, cứ quanh quẩn ở nhà rồi đi học, đêm về lại vùi đầu vô gối khóc rồi ngủ quên lúc nào không biết”.
Sau thời điểm dịch COVID-19, mẹ mất, phải sống nhờ vào chú bác, trong khi công việc của chú cũng ảnh hưởng, bác cũng đau ốm. Thời điểm đó, Nhật từng nghĩ đến việc bỏ học.
“Những lúc như thế, mình nhớ lời mẹ kể, căn nhà đang ở là do ba tự xây khi còn khỏe. Căn nhà còn dang dở, đơn sơ nhưng là niềm tự hào của mẹ. Mẹ đã từng mơ ước sau này có tiền, sẽ sửa lại cho tươm tất. Khi mẹ sắp ra đi, mẹ vẫn dặn cố gắng học để sau có điều kiện thì sửa chữa cho căn nhà kiên cố, mùa mưa bão ở một mình cũng an tâm hơn”, Nhật trải lòng.
Từ lời dặn đó, Nhật quyết thi vào ngành kiến trúc, Trường đại học Kiết trúc Đà Nẵng, trở thành kiến trúc sư. Sau này kiếm được tiền sẽ thiết kế và xây xây lại ngôi nhà như di nguyện của mẹ.
Nhật tính toán những năm tiếp theo sẽ vừa học vừa tiếp tục làm công việc giao hàng tự do để có thể tranh thủ làm thêm giờ rảnh và ca đêm, cùng với đó, sẽ vay thêm khoản vay sinh viên để lo học phí. Nếu thiếu, Nhật sẽ nhờ chú bác vay mượn giúp. Khi ra trường kiếm được việc làm sẽ trả nợ.
Nói về ước mơ của mình, Nhật chia sẻ: “Từ khi mẹ mất, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.Vì vậy sau này khi ra trường, tôi sẽ góp sức xây nên những ngôi nhà mới cho trẻ em mồ côi, khó khăn như mình ngày xưa”.
Năng nổ hoạt động Đoàn
Anh Trần Hữu Hậu, bí thư chi Đoàn Xuân Thiều 6, thuộc Đoàn Phường Hòa Hiệp Nam, cho biết Nhật có năng khiếu hội họa nên thường đi đầu trong các phong trào như tuyên truyền phòng chóng tệ nạn xã hội, hoạt động tái chế vì môi trường…
“Đặc biệt dù Nhật có hoàn cảnh rất khó khăn, phải tự lo cho bản thân nhưng ai cần gì Nhật đều giúp trong khả năng của mình. Nhật luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn và có tinh thần trách nhiệm cao. Từ năm mẹ Nhật mất, các anh chị em trong Chi đoàn vẫn luôn sát cánh động viên bạn”, anh Hậu nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ. Chương trình đăng ký học bổng đã kết thúc ngày 20-9-2024.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.