“Em rất bất ngờ khi được ban tổ chức hội thi Văn hay chữ tốt đề nghị chơi các trò chơi dân gian. Trước đó, em cứ nghĩ khi đi thi là vào phòng thi làm bài chứ đâu có được chơi, đặc biệt lại là chơi nhảy dây, nhảy lò cò, chơi banh đũa, chơi ô ăn quan… Thực sự rất thú vị” – Thái Lê Phương Quỳnh, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, cho biết.
Đề thi sáng tạo
Ngày 16-10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, TP.HCM đã tổ chức hội thi Văn hay chữ tốt tại Trường THCS Tân Bình với sự tham gia của 88 học sinh lớp 6, 7, 8, 9.
Sau lễ khai mạc hội thi, các thí sinh đã được xem những clip về cách thức chơi các trò chơi dân gian, đồng thời trải nghiệm các trò chơi này ngay tại sân trường.
Kết thúc phần trải nghiệm, các thí sinh mới vào phòng thi làm bài.
Đề thi Văn hay chữ tốt dành cho học sinh khối 6, 7 như sau:
Câu 1: Nếu được lựa chọn một trong các trò chơi dân gian mà em vừa trải nghiệm sáng nay để tổ chức cho các bạn cùng trường tham gia vào mỗi giờ ra chơi (nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của trò chơi dân gian trong môi trường học đường) thì em sẽ chọn trò chơi nào? Hãy lý giải lý do em chọn trò chơi đó. (Trả lời trong 80 – 100 chữ).
Câu 2: Trò chơi dân gian không chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc mà còn giúp mọi người – mọi lứa tuổi – trải nghiệm niềm vui không giới hạn. Những trò chơi dân gian đầy tính vận động và trí tuệ luôn hấp dẫn, vô cùng thú vị với trẻ em. Qua những trải nghiệm sáng nay chắc hẳn em cũng cảm nhận được điều đó. Hãy viết bài văn với nhan đề: “Một trải nghiệm đáng nhớ” để kể lại trải nghiệm thú vị mà sáng nay em đã trải qua.
Đề thi Văn hay chữ tốt dành cho học sinh khối 8, 9 như sau:
Câu 1: Sau buổi tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian sáng nay, nếu nhà trường muốn em hiến kế một giải pháp giúp giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian trong môi trường học đường thì em sẽ đề xuất giải pháp nào? Vì sao em đề xuất như vậy? (Trả lời 80 – 100 chữ).
Câu 2: Trò chơi dân gian không chỉ góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang đến cho con người nhiều giá trị hữu ích. Qua những trải nghiệm sáng nay, chắc hẳn em cũng cảm nhận được điều đó. Nhưng ngày nay, các thiết bị trò chơi điện tử dần chiếm lĩnh nhu cầu giải trí của con người. Do đó, các trò chơi dân gian dần mai một trong cuộc sống.
Có ý kiến cho rằng cần giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian trong môi trường học đường, nhất là tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian trong các giờ giải lao, để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần đoàn kết cho người chơi, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Em có đồng tình với ý kiến trên không? Viết bài nghị luận với nhan đề: “Hãy giữ gìn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian” để trình bày câu trả lời của em.
Thích thú với trò chơi dân gian
Không giống với nhiều cuộc thi khác, các thí sinh tham gia thi Văn hay chữ tốt ngày 16-10 ở Tân Bình đã có những phút giây cười thoải mái trong phần trải nghiệm.
Trần Linh Yến, học sinh lớp 6 Trường tiểu học quốc tế Á Châu, chia sẻ: “Em đã chơi gần hết các trò chơi dân gian tại hội thi. Trong đó có những trò chơi em được chơi lần đầu tiên. Em không ngờ trò chơi dân gian lại thú vị và vui vẻ như thế”.
Trong khi đó, Ngô Tuyết Nhung, học sinh lớp 8 Trường THCS Quang Trung, thừa nhận: “Nếu phải so sánh thì cả trò chơi dân gian và game trong điện thoại đều là các trò chơi mang lại niềm vui cho người chơi.
Tuy nhiên, trò chơi dân gian thì người chơi phải vận động nên tốt cho sức khỏe hơn. Mấy trò chơi dân gian như nhảy lò cò, banh đũa, ném còn… em đã từng chơi trong hội chợ Tết khi ba má cho em về quê thăm ông bà. Em thích những trò chơi này và hy vọng sẽ được trải nghiệm với nó nhiều hơn nữa”.
Không chỉ là trải nghiệm
“Học sinh ở các khu đô thị ngày nay chủ yếu chơi trò chơi công nghệ thông qua các thiết bị điện tử. Do đó, các trò chơi dân gian dần bị mai một. Chúng tôi đưa trò chơi dân gian vào hội thi không chỉ để học sinh trải nghiệm mà còn kỳ vọng các em sẽ hiểu hơn và biết trân trọng hơn những giá trị của văn hóa dân tộc.
Hội thi Văn hay chữ tốt là sân chơi thường niên dành cho học sinh yêu thích về văn chương cũng như nghệ thuật viết chữ. Việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm trước khi thi là một cách giúp các em có góc nhìn đa dạng về cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018″ – ông Nguyễn Đức Anh Khoa, phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, TP.HCM, nói.