Các chủ nhân của dự án “Hồi sinh micro” gồm Lý Kiến Hưng, Lê Trần Tuyết Minh (lớp 11.3), Thái Minh Khôi (lớp 10.3), Huỳnh Minh Triết (lớp 10.5). Với sự hướng dẫn của thầy giáo bộ môn vật lý Phạm Gia Khánh, dự án được khởi nguồn từ câu lạc bộ STEM trong nhà trường, “muốn làm điều gì đó thiết thực phục vụ công tác học tập giảng dạy, giải quyết những vấn đề xung quanh trường học”.
Khi học sinh là “thợ” sửa micro
Trường trung học Thực hành có nhiều phòng học, mỗi phòng học như vậy thông thường sẽ được “sắm” hai chiếc micro phục vụ dạy học. Tuy nhiên, có lúc cả hai micro đều không dùng được hoặc gặp những sự cố bất ngờ. Cái thì rè, cái thì tịt, cái thì đang nói bỗng dưng “im bặt”…
“Là giáo viên, cũng là người hướng dẫn hoạt động của câu lạc bộ STEM trong trường, tôi thấy mặc dù giá micro không phải là đắt nhưng nếu nó hư hỏng mà phải chờ mua mới vừa mất một khoản tiền vừa có thể ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên và học sinh. Vì thế, tôi gợi ý cho các em học sinh trong câu lạc bộ tìm hiểu kiến thức để có thể sửa chữa micro đáp ứng kịp thời việc dạy học”, thầy Phạm Gia Khánh nói về ý tưởng thực hiện dự án.
Thầy giáo gợi ý như vậy nhưng chính các em học sinh cũng thấy đây là điều thiết thực cần thực hiện.
“Em chứng kiến nhiều lần việc các thầy cô đang dạy thì micro bỗng nhiên “tắt ngúm”. Có lần trường đang thực hiện hoạt động ngoài trời đông lắm mà các thầy cô thay mấy cái micro rồi nhưng âm thanh phát ra vẫn không nghe được, khiến thầy cô trong trường phải chạy đi mua micro mới. Vì thế, khi nghe thầy gợi ý ý tưởng này, em đăng ký tham gia ngay” – Lý Kiến Hưng, trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật của dự án, cho biết.
Tuy vậy để có thể sửa được micro không phải dễ, các em vừa phải được hướng dẫn cách “bắt bệnh” của micro vừa phải “quảng cáo” để các lớp trong trường biết và “nhờ cậy” khi cần thiết.
Sau một thời gian được học những kiến thức về vật lý liên quan đến việc sửa chữa micro và thực hành, nhóm đã giải được nhiều “bài toán” liên quan tới micro cho các lớp trong trường. “Đơn hàng nhiều lắm. Chúng em thấy mình gắn bó với lớp, với trường và được dạy để giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống” – Huỳnh Minh Triết, một thành viên của nhóm, chia sẻ.
Hướng đến bảo vệ môi trường
Dự án “Hồi sinh micro” của bốn học sinh không chỉ đào tạo học sinh trở thành những người “thợ” sửa micro. Cao hơn, thông qua đó để nâng cao nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho học sinh.
“Giáo viên hướng dẫn học sinh thông qua việc tái sử dụng micro là việc bảo vệ môi trường, là kinh tế tuần hoàn. Các micro đã sửa chữa sẽ được dán nhãn để biết chiếc micro đó đã được sửa chữa bao nhiêu lần và cũng được gửi khuyến nghị đến các lớp để các lớp biết và giữ gìn, chung tay bảo vệ đồ dùng và góp phần bảo vệ môi trường”, Lý Kiến Hưng cho biết.
“Việc được báo cáo dự án tại Đài Loan, Trung Quốc cho nhóm em những trải nghiệm đặc biệt. Chúng em đã có bốn ngày vừa báo cáo vừa trả lời ban giám khảo về dự án của mình. Được góp công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là niềm vinh dự của chúng em. Thế giới này cần những hành động thiết thực của thế hệ trẻ như chúng em trong việc chung tay bảo vệ môi trường”, Lý Kiến Hưng nói.
Theo thầy Phạm Gia Khánh, dự án “Hồi sinh micro” chỉ là một phần trong chuỗi hoạt động giáo dục mà Trường trung học Thực hành hướng đến trong việc nâng cao nhận thức về môi trường và nền kinh tế tuần hoàn cho học sinh.
“Trường đang hướng dẫn học sinh thêm nhiều dự án trong việc phát triển bền vững, thiết thực như sửa chữa thiết bị thí nghiệm (đồng hồ đo điện đa năng, máy phát tĩnh điện…) và quay video làm tài nguyên dạy học, giúp việc học đi đôi với hành hiệu quả hơn” – thầy Khánh chia sẻ.
“Sánh vai” các trường THPT quốc tế
Từ ngày 7 đến 10-7, Trường trung học quốc gia số 1 Đài Nam (Đài Loan, Trung Quốc) tổ chức hội nghị về tìm hiểu và thực hành các mục tiêu phát triển bền vững dành cho học sinh trung học.
Dự án “Hồi sinh micro” của học sinh Trường trung học Thực hành là một trong nhiều dự án, đại diện Việt Nam được chọn để báo cáo tại hội nghị bên cạnh nhiều trường THPT hàng đầu Đài Loan và một số trường ở Nhật Bản.
* Cô Nguyễn Thị Tú (hiệu trưởng Trường trung học Thực hành, Trường đại học Sư phạm TP.HCM):
Hỗ trợ các câu lạc bộ đi vào chiều sâu
Trong bối cảnh nhà trường đang thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, việc học sinh được tham gia hội nghị khoa học nói riêng cũng như các hoạt động quốc tế nói chung là điều hết sức cần thiết. Đây là cơ hội để học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được rèn luyện trên ghế nhà trường vào giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống.
Thời gian tới, trường tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp, tăng cường các nguồn lực xã hội tham gia để hỗ trợ, tiếp tục tạo mọi điều kiện để các câu lạc bộ phát triển theo chiều sâu. Trường cũng tiếp tục đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn, hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO.