Với lợi thế là quốc gia ven biển, Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km với đa dạng tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, trong đó có các loài rong biển làm thực phẩm phục vụ điều trị bệnh Alzheimer.
Mới đây các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công đề tài “Tác dụng bảo vệ thần kinh đối với bệnh Alzheimer của một số loài rong biển Việt Nam” (mã số: VAST04.10/22-23).
Bệnh Alzheimer là một trong những căn nguyên phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già, thường xuất hiện ở độ tuổi 50-65.
Bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và một số vùng dưới vỏ não. Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, tới trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.
Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra 69 cao chiết từ 11 loài thuộc 8 chi rong biển thuộc các chi: Ulva, Kappaphycus, Sargassum, Eucheuma, Gracilariopsis, Caulerpa, Gracilaria và PAlzheimerina ở các dung môi và điều kiện chiết khác nhau.
Đặc biệt, lần đầu tiên cơ chế phân tử tác dụng của fucoxanthin (hoạt chất tự nhiên có nguồn gốc từ rong biển nâu) tách từ S. oligocystum (loài thực vật phổ biến tại nhiều vùng biển của các nước châu Á và châu Mỹ) và cao chiết ethanol tách từ rong Sargassum spp. (loại chi rong biển trôi nổi thuộc họ Sargassaceae) đã được nghiên cứu.
Qua đó xác định chúng có hoạt tính chống oxy hóa, ức chế AChE và bảo vệ chống lại độc tính tế bào ở mô hình Alzheimer cảm ứng bởi nước oxy già H2O2 trên dòng tế bào thần kinh C6.
GS.TS Đặng Diễm Hồng, chủ nhiệm đề tài, cho biết nghiên cứu đã chứng minh fucoxanthin tách từ S. oligocystum và cao chiết ethanol 96% (có sử dụng siêu âm) được tách từ Sargassum spp. an toàn về độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và có khả năng cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức gây ra bởi thuốc mê dạng nước (scopolamin).
Điều này tương tự loại thuốc dùng để điều trị bệnh Alzheimer (donepezil) liều 5mg/kg trọng lượng cơ thể chuột, ở mô hình động vật thực nghiệm trên toàn bộ, sinh vật hoặc các tế bào còn sống.
Nhóm nghiên cứu đã công bố 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục SCI-E (Q1), 1 bài báo trên tạp chí quốc gia (VAST02), 1 bài báo cáo tại Hội nghị quốc tế ISS2023 và 1 báo cáo toàn văn tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2022. Đề tài được viện hàn lâm nghiệm thu, đánh giá, xếp loại xuất sắc.
Với những kết quả đã đạt được, GS.TS Đặng Diễm Hồng mong muốn đề tài tiếp tục được nghiên cứu, thử nghiệm và sớm hoàn thiện quy trình công nghệ tạo sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên, giàu dinh dưỡng.
Từ đó góp phần hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh nhân Alzeimer cũng như đối với những người phải làm việc, lao động trong điều kiện nặng nhọc ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã ghi nhận được 878 loài rong biển (bao gồm 439 loài thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta), 196 rong lục (Chlorophyta), 156 loài rong nâu (Ochrophyta-Phaeophytaceae), 87 loài thuộc vi khuẩn lam (Cyanophyta)) và 15 loài cỏ biển.
Các loài thuộc chi Caulerpa, Sargassum, Gracilaria, Ulva, Kappaphycus và Eucheuma là những chi rong biển có giá trị kinh tế quan trọng, trữ lượng lớn, hiện đang được nuôi trồng, khai thác tự nhiên với sản lượng cao.
Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, thuận lợi cho việc sử dụng làm thực phẩm cũng như tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học cao, trong đó có tác dụng bảo vệ thần kinh, tăng cường trí nhớ cho con người.