12 năm miệt mài đèn sách, vào đại học là đích đến quan trọng được nhiều học sinh hướng đến. Đó là cánh cửa mở ra tri thức cũng như nghề nghiệp gắn bó với quãng đời sau này của các bạn. Thế nhưng điều lạ lùng là không ít thí sinh mong muốn rớt nguyện vọng 1. Bởi đó là nguyện vọng của cha mẹ, của người khác chứ không phải của mình.
Nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất, trước nhất khi xét tuyển đại học. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng còn lại. Thế nhưng với không ít thí sinh, nguyện vọng 1 không phải là sở thích, mong muốn của các bạn.
Đứng trước lựa chọn quan trọng của cuộc đời mà ngay cả ngành mình muốn nhất, thích nhất, cảm thấy phù hợp nhất các bạn cũng không được tự đưa ra quyết định. Cha mẹ đã làm thay điều đó.
Thực tế có phụ huynh biết ngành đó con mình không thích nhưng có muôn vàn lý do để phản bác mong muốn và lời giải thích của con. Sự thiếu lắng nghe của cha mẹ đã dập tắt mọi suy nghĩ, cảm xúc và ước mong của con.
Cha mẹ nào cũng thương, cũng mong điều tốt nhất đến với con. Tất nhiên, phụ huynh nhiều kinh nghiệm sống, có nhiều mối quan hệ để tham vấn, thậm chí từng có va vấp thất bại nhưng chưa chắc có thể lựa chọn đúng ngành nghề cho con.
Con đang trưởng thành, còn non nớt nhưng chính các bạn mới biết mình thích gì, muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào, muốn sống ra sao nên lựa chọn chưa hẳn sẽ không phù hợp.
Quan trọng là sở thích, là cuộc đời của chính các bạn chứ không phải của cha mẹ. Dường như nhiều phụ huynh đã quên mất điều này để rồi nhiều khi con cái dang dở việc học, cả đời mang theo sự hối tiếc vì không thể học và làm điều mình mong muốn.
Chọn ngành thay con chỉ là một phần trong cách nuôi dạy con gia trưởng của không ít cha mẹ. Ngay từ nhỏ, các con đã được dạy các quy tắc, chuẩn mực và đảm bảo hành xử một cách có kỷ luật, không có sự thảo luận hay thương lượng.
Không chỉ vậy, phụ huynh thường đặt kỳ vọng lớn vào con cái thông qua kết quả học tập. Học gì, học ở đâu, học với thầy cô nào, lộ trình học tập ra sao cha mẹ đều quyết định và con chỉ việc làm theo.
Thậm chí phụ huynh đặt ra mục tiêu học tập và ép con phải đạt được bằng mọi cách. Con có sự tiến bộ không khích lệ, chỉ cần sa sút cha mẹ lập tức so sánh, mắng nhiếc. Ngay cả khi con đã 18 tuổi, cha mẹ vẫn giữ thói quen nghĩ thay và chọn tương lai thay con.
Điều này vô hình trung hình thành nên những thanh niên nhút nhát, sợ sệt khi đưa ra quyết định, ngại trình bày quan điểm riêng, yếu kỹ năng phản biện. Đó là chưa kể sự áp đặt lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con.
Suy cho cùng, cha mẹ làm mọi thứ, kể cả áp đặt với mong muốn con sống tốt, vui vẻ sau này. Nhưng để có ngày đó, chính lúc này, thí sinh cần cha mẹ lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm. Chọn một ngành không chỉ để học trong bốn năm đại học mà đó là niềm vui, nỗi buồn của thí sinh trong suốt quãng đời sau này.
Phụ huynh hãy lắng nghe, tham vấn và trao đổi, nếu không được thì nên tôn trọng quyết định chọn ngành của con. Hãy để con có cơ hội được tự quyết định và chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Khi ấy, đồng hành, quan sát và giúp đỡ con những lúc cần thiết trên hành trình trưởng thành cũng chính là trách nhiệm và hạnh phúc của cha mẹ.