Bộ ảnh lấy ý tưởng từ đồ ăn Việt Nam được vẽ bởi anh Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1995, hiện là họa sĩ tự do tại TP.HCM).
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Sơn cho biết anh muốn khai thác, đem đồ ăn Việt Nam làm chất liệu sáng tác từ lâu vì rất gần gũi, dễ kiếm tư liệu…
“Mãi gần đây, khi có công việc liên quan đến thiết kế nhân vật dựa trên đồ ăn, tôi chợt nhớ ra các món ăn Việt Nam vẫn chưa được ai tái hiện, nên muốn làm thử”, anh nói.
Trung bình Sơn tốn từ 2 – 3 tuần để vẽ một bức tranh. Anh cho biết không sử dụng kỹ thuật nào đặc biệt, chỉ cố tả cho ra được món ăn. Về trang phục, anh thường chọn màu sắc dựa nhiều vào cảm giác. Các món sau sẽ sử dụng bộ màu khác với các món từng vẽ.
Chẳng hạn như “nàng tiên” phở mang cảm giác thanh nhẹ, mềm mại, có tông xanh mát. Còn “nàng tiên” cơm tấm được tạo hình đẹp mắt và điểm thêm một số chi tiết để mọi người dễ liên tưởng.
Bức cơm tấm là bức khiến anh thấy khó vẽ nhất. Họa sĩ muốn thể hiện trang phục đại diện cho cơm tấm miền Nam nhưng áo bà ba, nón lá… đã từng vẽ trước đó và cũng không hợp để “đựng” cơm tấm.
“Tôi nghĩ đi nghĩ lại và quyết định sử dụng áo dài. Tôi còn cho nhân vật cài mấn trông có hình tượng giống dĩa cơm. Khi vẽ hạt cơm, tôi cũng không thấy khó khăn lắm. Tôi chịu khó vẽ từng chiếc lá. Tôi nghĩ, khó nhất là phải tạo độ thơm ngon, nịnh mắt để người xem nhìn vào tranh có cảm giác thèm”, anh nói.
Càng vẽ đồ ăn Việt, càng thấy thèm
Sơn tiết lộ lúc đầu vẽ đồ ăn, khâu tìm hình ảnh tư liệu khiến anh rất đói. Có lúc anh phải cố nhịn đến cuối tuần để đi ăn.
Lúc vẽ phở, họa sĩ quyết định mua phở làm tư liệu để vẽ rồi ăn. Khi ăn xong, anh lại quên mất gì đó nên phải mua thêm một tô khác ăn vào ngày hôm sau để có thêm ý tưởng. Phở cũng là bức tranh khiến anh thích nhất, do được vẽ một cách tự nhiên, thoải mái. Các công đoạn hầu như không cần phải suy nghĩ nhiều.
Theo anh, để vẽ bức tranh đồ ăn sống động, người vẽ cần tạo cảm giác mình thèm ăn trước, thêm các yếu tố “động” như rau, hành “biết bay” làm bức tranh sinh động hơn.
Bí kíp của anh chính là luôn bám theo đề tài, thứ mình muốn rồi nhấn mạnh phát triển thêm. Ví dụ khi vẽ cơm tấm, anh chỉ cần liên tưởng đến chiếc mấn và trang phục sao cho khớp, chứ không vẽ lan man mỗi chỗ khác nhau rồi cố ép tất cả cho liên kết lại.
“Khi mọi thứ diễn ra tự nhiên, ta nhìn vào cũng thuận mắt hơn, dễ dàng nhận ra ngay được món ăn, nhân vật”, Sơn nói.
Khi đăng tải bộ ảnh lên mạng xã hội, cư dân mạng không chỉ gửi lời khen ngợi đến bộ tranh độc đáo mà còn cung cấp thêm thông tin cách thưởng thức đồ ăn ở mỗi vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, phở ở Hà Nội sẽ không có rau giá, nơi khác bún đậu ăn với nước mắm… làm anh mở mang thêm nhiều điều.
Có nhiều người còn “thách” họa sĩ vẽ những món nổi tiếng ở các nơi khác. “Tôi rất yêu thích ẩm thực Việt Nam. Đi đâu tôi cũng nhớ đến bữa cơm gần gũi và thân thuộc ở quê nhà. Tôi dự định vẽ món bún bò Huế vì rất mê món này”, anh cho biết.
Sơn không định vẽ hết những món ăn Việt nhưng sẽ cố gắng vẽ nhiều nhất có thể. Anh còn đang lên ý tưởng để vẽ bộ tranh nhân hóa kiến trúc, địa danh Việt Nam và khai thác thêm chất liệu các món ăn của các nước khác trên thế giới.