Khi ta chung thủy, đến đất trời còn thương

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Không ai tin được người đàn ông với đôi tay thô ráp, hơn nửa cuộc đời chỉ biết ôm vô-lăng xe buýt, nay lại cầm hộp phấn cây son trang điểm cho vợ khéo léo đến vậy.

Có lẽ tình yêu vô bờ bến đã giúp cậu làm được điều đó.

Đó cũng là việc cuối cùng thay cho lời yêu cậu trao vợ mình, trước khi phải nhìn mặt vợ qua nắp kính chiếc áo quan. Đến giây phút cuối cùng, khi cậu run rẩy trong đôi tay của con trai đang dìu mình, cậu vẫn nhìn chằm chằm vào khuôn mặt mợ, thì thầm: “Mẹ con đang ngủ. Bả ngủ thôi cũng đẹp”.

35 năm “tình bể bình”

Mợ tôi mới tròn 60 tuổi, đúng như người ta nói, mợ sống trọn 60 năm cuộc đời. Trong đó, có 35 năm mợ sống để yêu và được yêu với cậu – người bạn “thanh mai trúc mã”.

Đám tang mợ, một tay cậu lo từ đầu tới cuối. Dù hai đứa con đã lớn, cháu nội cháu ngoại cũng đủ đầy, nhưng dường như họ đã quen với cái cách cậu bảo bọc cho cả nhà.

Cậu – một người đàn ông trên 60, tướng tá phong độ, khuôn mặt vẫn đẹp ngời ngời. Vậy mà chỉ sau hơn hai tháng xách giỏ đi nuôi vợ hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, cậu sụt mất 7kg, khuôn mặt thiếu ngủ chảy nhão, hai hốc mắt thâm quầng, mái tóc trắng xóa.

Cậu mợ đúng là cặp vợ chồng hiếm có khó tìm trên đời. Cậu là tái xế xe buýt, mợ là nhân viên soát vé xe. Nhưng hai vợ chồng luân phiên thay đổi tuyến, nên hầu như rất hiếm khi được làm việc chung trên một chuyến xe.

Cậu là kiểu người có khiếu ăn nói, hài hước, dí dỏm, tâm lý, lại rất đẹp trai. Nhưng mợ hầu như chưa bao giờ biết ghen chồng. Ở mợ có một sự tin yêu gần như tuyệt đối dành cho cậu. Một phần có lẽ vì cậu tạo được sự tin cậy.

Cậu đi làm thì thôi, về nhà là việc lớn việc nhỏ đều đến tay. Ai cũng nói mợ có phước, cậu rất cưng chiều mợ. Nhìn hai vợ chồng đi đâu cũng tay trong tay, không ai nghĩ họ là “cặp lão” 60 năm tuổi đời, “tình bể bình”, gọi nhau anh ơi em à ngọt xớt.

Tôi nhìn cậu mợ, xốc lại niềm tin về tình yêu chung thủy vốn “xa xỉ” trong thời đại này. Mới cách đây chưa được nửa năm, má nhờ cậu mợ đứng ra đại diện, đi cưới vợ cho em trai tôi, thay ba má. Phần vì ba đã mất, má mới mổ cườm hai mắt, không nhìn rõ; phần là gia đình muốn vợ chồng em trai cũng được hưởng “lộc” hạnh phúc từ cậu mợ.

Và một vòng tay, một giấc ngủ dài

Mợ thích làm đẹp, ngay cả khi bệnh nặng, nằm viện, mợ vẫn không quên mang theo túi đựng đồ trang điểm.

Những ngày cận kề ly biệt, không ai biết mợ đang phải chống chọi từng giờ, vì gặp mợ lúc nào cũng tươi tắn phấn son, nụ cười tươi rói. Đó là vì cậu đã tận tình điểm phấn tô son cho mợ, hầu như mỗi ngày trong bệnh viện.

Những ngày cuối cùng, cậu ngồi bên giường bệnh, ôm cho mợ ngủ trong tay mình. Mợ, như có linh tính, tháo nhẫn cưới kêu cậu cất, rồi nhẹ nhàng ngủ một giấc dài trong tay chồng, khuôn miệng vẫn mỉm cười giấu nỗi đau thể xác.

Ngày hạ huyệt, tôi không ngăn nổi nước mắt khi cậu thả một cành sen trắng – tên mợ – Bạch Liên, rồi vẫy tay, cố kìm nén nỗi đau phân ly: “Chào em nha! Đi bình an!”.

Hạ huyệt, trời đổ cơn mưa rào. Tôi và em trai dìu cậu ra xe.

Cậu và mợ – một đời chung thủy, giờ ly biệt, đến đất trời còn thương.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *