Nữ bệnh nhân tên Minh, 31 tuổi, ở Hà Nội, mắc viêm mũi dị ứng mạn tính. Khi thời tiết thay đổi, những cơn hắt xì liên tục, nghẹt mũi kéo dài kéo theo đau đầu, ù tai khiến chị Minh vô cùng ngao ngán.
Lúc ngồi văn phòng làm việc, chị hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, nước mũi, nghẹt mũi, khiến chị không thể tập trung công việc, lại lo sợ ảnh hưởng đến những đồng nghiệp xung quanh.
Nhiều khi vào ban đêm, tình trạng nghẹt mũi khiến chị không thở được, phải thở bằng miệng nên mắc thêm bệnh viêm họng.
Tình trạng kéo dài gần 1 tháng nay khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất tập trung. Dù đã rất nhiều lần đi khám sức khỏe tại bệnh viện nhưng đến nay, tình trạng này của chị vẫn chưa thể chấm dứt.
Triệu chứng điển hình
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hùng – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm niêm mạc (màng lót bên trong mũi) không phải do vi rút, vi khuẩn, mà do người bệnh hít phải các dị nguyên (chất gây dị ứng) như: bụi, khói, lông động vật, phấn hoa, hóa chất…
Hắt hơi là một dạng phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng gồm:
– Ngứa mũi: Là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào mũi gây ngứa, tình trạng ngứa có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày;
– Hắt hơi: Người bệnh hắt hơi thường xuyên, đôi khi hắt hơi thành tràng dài;
– Chảy dịch mũi: Nước mũi của người bệnh trong như nước mưa;
– Nghẹt mũi: Tình trạng nghẹt thường xuất hiện khi nằm ngủ khiến người bệnh khó thở, ngủ không sâu giấc;
– Giảm khứu giác: Lượng chất nhầy và dịch tiết quá nhiều gây ra triệu chứng nghẹt mũi, ảnh hưởng đến khả năng ngửi và phân biệt mùi của người bệnh;
– Ù tai: Khi bị viêm mũi dị ứng, dịch tiết và chất nhầy ở mũi bị tắc có thể tràn qua các lỗ thông nhau vùng tai mũi họng. Bởi vậy người bệnh suy giảm thính lực, khó nghe, ù tai,…
Bác sĩ Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết viêm mũi dị ứng là bệnh cơ địa, do bẩm sinh, có tính di truyền.
Điều trị viêm mũi dị ứng là điều trị để giảm triệu chứng, hạn chế tái phát, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, không phải điều trị để dứt điểm bệnh.
Theo bác sĩ Duy, bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, môi trường làm việc. Với người cơ địa dễ bị kích ứng nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng.
Bệnh không gây nguy hiểm, không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng gây khó chịu đáng kể, suy giảm chất lượng người bệnh, ảnh hưởng hiệu suất làm việc, học tập, sinh hoạt.
Khi nào đi gặp bác sĩ?
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh – nguyên viện trưởng Viện Tai mũi họng trung ương, khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh như hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi tái lại nhiều lần, cần nghĩ ngay đến căn bệnh viêm mũi dị ứng.
Để kiểm soát bệnh nên có chế độ ăn uống hợp lý để tăng cường sức đề kháng, nên tập thể dục đều đặn, vừa phải, tập trong môi trường không khí trong lành. Tập với cường độ nhẹ, tăng mức độ từ từ.
Nên tránh xa các yếu tố dễ gây khởi phát bệnh như khói bụi; thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ…
Đây là căn bệnh khó chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể dự phòng mắc và tái phát bằng cách ngăn chặn các tác nhân gây bệnh và yếu tố kích ứng. Người bệnh cần thực hiện song song việc dùng thuốc, cần tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích và nguyên nhân gây ra bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Như Duy lưu ý thêm nếu viêm mũi dị ứng bội nhiễm (đã biến chứng bội nhiễm vi trùng), người bệnh phải dùng kháng sinh, kháng nguyên theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp – mạn tính, polyp mũi xoang…
Cách phòng bệnh viêm mũi dị ứng
Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tác nhân gây dị ứng như: bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất…
Cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến nơi khói bụi, hạn chế tiếp xúc thú cưng nếu dị ứng lông thú cưng. Giữ nhà ở khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên,…
Ngoài ra vệ sinh họng, răng, miệng thật tốt. Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi. Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi… cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mạn tính. Lưu ý không lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm nghẹt mũi tức thì.