Như bạn đọc phản ánh, việc nói chuyện ồn ào nơi công cộng đang trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Ở bệnh viện, trong thang máy, trên xe buýt, máy bay, cứ chỗ nào có mạng miễn phí là có người mở loa điện thoại “tám”.
Bên cạnh các ý kiến bức xúc và đề nghị chấn chỉnh, ở góc nhìn khác, một số bạn đọc cho rằng điều này không đáng bận tâm. Bởi một khi bước vào không gian công cộng hay giữa dòng người tấp nập, sao lại muốn kiếm yên bình?
Góp thêm góc nhìn đa chiều, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này của bạn đọc Trần Thị Phương.
Khoan trách cứ, hãy thử lắng nghe
Hôm bố tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, đa chấn thương, phải chuyển viện cấp cứu vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Đứng bên ngoài chờ, tâm lý nhạy cảm, đầy lo sợ, lòng dạ như lửa đốt vì lo lắng cho tình trạng của bố.
Trong khi tôi cố gắng giữ bình tĩnh để chờ đợi tin tức thì gần đó, người nhà của một bệnh nhân khác không ngừng gọi điện thoại. Giọng gào khóc đầy đau đớn, liên tục thông báo tin dữ cho từng người thân về sự ra đi của anh trai mình.
Tiếng khóc nức nở, lời nói trong cơn tuyệt vọng vang lên khắp hành lang bệnh viện, như bản nhạc tang thương ám ảnh.
Mỗi cuộc gọi là một lần trái tim tôi nhói đau, phần vì lo lắng cho bố mà thêm nữa là cảm nhận sâu sắc nỗi mất mát của người khác. Dù đang trong tình trạng lo âu, tôi không thể không đồng cảm với nỗi đau của họ, đang phải trải qua giây phút tồi tệ nhất của cuộc đời.
Khi đối diện với tình huống đau lòng như vậy, tôi nghĩ cần thấu hiểu và chia sẻ với những người xung quanh.
Cảm ơn ồn ào đã giúp trái tim được kết nối
Sau đó, bố tôi được chuyển về phòng bệnh, chờ kết quả xét nghiệm, bác sĩ hội chẩn rồi lên lịch mổ, cảm giác chờ đợi đầy căng thẳng. Gần giường bệnh của bố, gia đình bệnh nhân bên cạnh cũng đang trải qua khoảnh khắc khắc khoải không kém.
Họ gọi điện liên tục khắp họ hàng, người quen để mượn tiền nộp viện phí mổ. Tiếng nói nghẹn ngào, những lời cầu cứu vang lên giữa phòng chờ mổ, trong khi mọi người cũng đều đang chịu đựng mệt mỏi và đau đớn.
Khi sự yên tĩnh bị phá vỡ bởi những tiếng cười đùa, tiếng nói chuyện điện thoại to tiếng, nhưng trước khi trách móc, xin hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông.
Tuy nhiên, trong bầu không khí ngột ngạt đó, không ai trong phòng tỏ ra khó chịu hay phàn nàn. Ngược lại, mọi người đều cảm thông và sẵn lòng giúp đỡ. Nhìn thấy nỗi thống khổ của gia đình, nhiều người đã đứng ra quyên góp, chia sẻ từng đồng tiền nhỏ để giúp họ trang trải viện phí.
Có người cầm hồ sơ bệnh của bệnh nhân đi xin sự giúp đỡ từ những tổ chức từ thiện, mong có tia hy vọng để tiếp tục điều trị. Những người khác chỉ chỗ phát cơm từ thiện miễn phí để người nhà có thể ở lại chăm sóc bệnh nhân mà không phải lo lắng về bữa ăn.
Không biết mọi điều phía trước sẽ ra sao, nhưng trong lúc ấy, tình cảm và sự tiếp sức của mọi người đã trở thành nguồn động viên vô cùng quý giá.
Lời động viên, quyên góp dù ít dù nhiều, và những chỉ dẫn tận tình đã vang lên tiếng reo vui của tình người, lan tỏa sự ấm áp giữa không gian lạnh lẽo của bệnh viện.
Cảm ơn “cuộc nói chuyện ồn ào” đã cho tôi chứng kiến điều kỳ diệu, rằng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, lòng nhân ái và tình yêu thương vẫn luôn hiện hữu.
Chấp nhận ồn ào là một phần của cuộc sống?
Cuộc sống vốn không thể tách rời khỏi những thanh âm ồn ào. Đó là tiếng động của cuộc sống đang diễn ra, là bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống giữa cộng đồng, giữa những con người với những câu chuyện và cảm xúc riêng.
Thay vì chỉ trích hay phán xét, xin hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và chia sẻ, bởi vì chính sự cảm thông, lòng nhân ái là những điều làm nên giá trị con người.
Trong cơn hoạn nạn, dù là đau khổ hay tia hy vọng, chúng ta đều có thể tìm thấy sự an ủi và động lực từ mọi người xung quanh.
Nên giờ đây, nếu gặp sự ồn ào, tôi cũng xin vui cùng niềm vui, đau cùng nỗi đau của người!
10 cách sử dụng điện thoại di động không ảnh hưởng đến người khác
1- Hãy kiểm soát điện thoại của bạn, đừng để nó kiểm soát bạn.
2- Nói chuyện nhỏ nhẹ.
3- Hãy lịch sự với những người xung quanh. Tắt điện thoại nếu nó làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc một hoạt động nào đó.
4- Hãy cẩn thận với lời nói của mình, đặc biệt là khi người khác có thể nghe thấy.
5- Tránh nói về những chủ đề cá nhân hoặc bí mật ở nơi công cộng.
6- Nếu phải bật điện thoại và có thể làm phiền người khác, hãy sử dụng chế độ “im lặng” và rời ra xa một chỗ khác để sử dụng điện thoại di động.
7- Không nên gọi điện thoại trong bệnh viện, thư viện, rạp hát, chùa chiền nhà thờ, thang máy, hoặc từ bàn ăn thân mật…
8- Đừng nhắn tin trong giờ học hoặc cuộc họp ở nơi làm việc.
9- Thông tin cá nhân có thể bị lộ, cẩn thận không để người lạ nghe thấy qua cách sử dụng điện thoại.
10- Không bao giờ sử dụng điện thoại khoe mẽ hoặc quá hào hứng, hãy dò xem sắc mặt thái độ những người xung quanh.
PHẠM SANH