Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia kỳ cựu về kiểm toán cho rằng việc tăng mức xử phạt như đề xuất đưa ra là cần thiết, song về lâu dài cần tính đến việc xem xét sửa lại Luật Kiểm toán theo hướng có chế tài cứng rắn hơn, tăng cường sự giám sát từ các cơ quan quản lý, tăng cường sự quản lý và kiểm soát của tổ chức nghề nghiệp.
Bê bối liên tiếp, thách thức niềm tin
Nhiều vụ đại án được xét xử thời gian qua ít nhiều đều có “bóng dáng” trách nhiệm các kiểm toán viên, công ty kiểm toán. Điển hình như vụ án ông Nguyễn Cao Trí (liên quan Công ty Sài Gòn Đại Ninh), vụ án Tân Hoàng Minh, FLC, SCB… có sai phạm của kiểm toán được chỉ đích danh cũng khiến dư luận xôn xao hỏi về trách nhiệm, chất lượng kiểm toán.
Trong một tháng trở lại đây, danh sách dài kiểm toán viên bị đình chỉ hoặc sắp bị đình chỉ tư cách kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán được công bố khiến các nhà đầu tư không khỏi hoang mang. Việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa các doanh nghiệp tại Bộ GTVT cũng mới có kết luận có liên quan đến kiểm toán.
Ông Đặng Trần Phục – chủ tịch Công ty chuyên tư vấn và đào tạo tài chính AzFin – nhận định: “Như ngành nghề khác, không phải tất cả các kiểm toán viên đều có năng lực chuyên môn tốt. Trong khi đó việc gian dối của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi.
Chưa kể cơ chế làm việc không phải tất cả các công ty kiểm toán đều minh bạch và khách quan. Đôi khi các kiểm toán viên còn phải thực hiện nghiệp vụ dưới áp lực lớn của cấp trên”.
Là người xây dựng và gắn bó với ngành kiểm toán từ những năm 1990 đến nay, PGS.TS Đặng Văn Thanh – nguyên chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội – phải thốt lên câu “rất buồn” về thực trạng này.
“Nghề kiểm toán vốn chuyên nghiệp, có tính độc lập rất cao, đòi hỏi sự chính trực, khách quan và đề cao đạo đức nghề nghiệp. Do vậy dù động cơ vì cá nhân hay tập thể, năng lực kém hay một lý do nào đó… mà không có đủ bằng chứng tin cậy, phù hợp vẫn cố ký báo cáo kiểm toán là không thể chấp nhận được”, ông Thanh tâm tư.
Khi công ty kiểm toán, khi kiểm toán viên bị gọi tên trong các đại án, bị truy cứu trách nhiệm dân sự và hình sự trong thời gian gần đây, ông Thanh nói rất lo hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, từ đó công chúng có thể bị hao mòn niềm tin vào nghề kiểm toán.
Nâng cao chất lượng theo hướng nào?
Khi bàn về giải pháp khắc phục chuyện “rất buồn”, ông Đặng Văn Thanh cho biết các nước trên thế giới đều yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp, tính độc lập của kiểm toán. Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC) ban hành bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và bộ quy tắc ứng xử của kế toán viên, kiểm toán viên. Theo đó, các chế tài xử phạt các vi phạm trong hoạt động kiểm toán rất nghiêm khắc, cứng rắn.
Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và đưa vào áp dụng trên thực tế. Đồng thời có cơ chế kiểm soát chất lượng dịch vụ và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, hiện đang trình sửa đổi những quy định mới.
Tuy vậy theo ông Thanh, việc tăng mức xử phạt là cần thiết nhưng chưa phải giải pháp căn cơ vì có thể có hạn chế vi phạm nhưng cũng có tính toán giữa được và mất. Quan trọng cần được nhấn mạnh vẫn là danh dự nghề nghiệp và giá trị nghề nghiệp.
Do vậy ông Thanh đề xuất nên rà soát xem xét lại các quy định về kiểm toán nói chung, trong đó có Luật Kiểm toán độc lập. Việc sửa đổi cần theo hướng đưa ra các chế tài cứng rắn hơn, tăng cường sự giám sát từ các cơ quan quản lý, tăng cường sự quản lý và kiểm soát của tổ chức nghề nghiệp.
“Để được hành nghề, kiểm toán viên cần phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp. Tổ chức nghề nghiệp có quyền quản lý hội viên và xử phạt các hội viên là người hành nghề nếu có vi phạm”, ông Thanh đề xuất.
Liên quan việc sửa đổi một số điều Luật Kiểm toán độc lập, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng đã có nhiều cuộc họp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trong các cuộc họp này, phía VACPA cho biết luôn nhấn mạnh trong dự thảo luật cần làm rõ ràng vai trò, trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp/bên chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính để có mức xử phạt vi phạm hành chính phù hợp. Đồng thời xử lý được vấn đề gian lận, sai sót từ gốc, đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định liên quan và giúp tăng cường tính minh bạch thông tin tài chính trên thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng việc đề xuất mức tăng phạt tiền gấp 20 lần hiện nay là cần thiết.
“Tuy vậy cần chú ý tới việc kiểm soát chất lượng của chính các công ty kiểm toán. Nếu số lượng kiểm toán viên quá nhiều vi phạm và bị đình chỉ thì rõ ràng công ty kiểm toán đó đang có vấn đề”, ông Minh nói.
Đâu là doanh nghiệp có vấn đề?
Ông Bùi Văn Huy, giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM, nói rằng thời gian qua tỉ lệ doanh nghiệp muốn “xào nấu” để làm “đẹp” hơn báo cáo tài chính tăng nhiều. Ông Huy cho rằng sẽ thể hiện sự nghi ngờ những doanh nghiệp có mâu thuẫn với kiểm toán hay với các doanh nghiệp yếu kém mà bỗng nhiên sử dụng các nghiệp vụ kế toán khác nhau như hạch toán trễ chi phí hay ghi nhận sớm doanh thu thì cần xem xét kỹ.
Đứng trước các doanh nghiệp này, đơn vị kiểm toán sẽ lựa chọn “có” hoặc “không”. Thực tế công ty kiểm toán cũng là doanh nghiệp và họ cần doanh thu. “Nếu họ chấp nhận bỏ qua để lấy doanh thu thì sẽ dẫn đến sai lệch chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật”, ông Huy nói và nhìn nhận không chỉ Việt Nam, trên thế giới vừa qua cũng có nhiều vụ bê bối kiểm toán.
Không kiểm chứng được tài liệu “xào nấu” là thật hay giả
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một kiểm toán viên lâu năm trong nghề chia sẻ hành vi gian dối của doanh nghiệp ngày càng tinh vi. “Chúng tôi gặp không ít báo cáo bị “xào nấu” trong khi kiểm toán viên chỉ kiểm toán được trên tài liệu được cung cấp chứ không kiểm chứng được tài liệu đó là thật hay giả”, kiểm toán viên này phân bua.
Thực tế sau hàng loạt vụ bê bối xảy ra, nhiều công ty kiểm toán từ chối doanh nghiệp vì nhận thấy rủi ro. Một công ty niêm yết mới đây sau thời gian dài chưa tìm được đơn vị kiểm toán đã liên tục có văn bản khẩn thiết đề nghị Ủy ban Chứng khoán cho phép họ tạm hoãn công bố báo cáo tài chính.
Bởi cả 30 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023 đều từ chối họ khi các kiểm toán viên trước khi ký báo cáo tài chính đều bị đình chỉ.