Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính từ ngày 1-10-2023 đến ngày 30-7-2024, Kiên Giang có 117 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện. Trong đó, cấp tỉnh 14, huyện 92 và cấp xã là 11.
44 bản án có quyết định nhưng đang tắc
Số lượng quyết định hành chính trái pháp luật bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ tổng số các quyết định hành chính bị khởi kiện là 23 quyết định (cấp huyện). Số lượng hành vi hành chính bị Tòa án tuyên bố là trái pháp luật 3 quyết định (cấp huyện).
Theo số liệu Tòa án cung cấp, số lượng trường hợp người đứng đầu (hoặc người đại diện) không tham gia phiên đối thoại là 96 vụ việc. Số lượng không tham gia phiên tòa là 15 vụ việc. Số vụ việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án là 101 vụ và số vụ việc không cung cấp là 16 vụ việc.
Đáng chú ý, tổng số bản án trong kỳ báo là 103 vụ việc án hành chính. Trong đó, kỳ trước chuyển sang là 62 vụ việc, từ đầu năm đến nay có 41 vụ việc.
Hiện nay, đã thi hành án xong là 25 vụ việc; hủy án là 5 vụ việc và chưa thi hành xong là 73 vụ việc án hành chính (44 vụ việc có quyết định buộc thi hành án hành chính, chưa có quyết định buộc thi hành án là 29).
“Qua theo dõi, đôn đốc tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong năm qua cho thấy chủ tịch UBND hoặc người đại diện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính như: gửi văn bản ghi ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện, cung cấp tài liệu chứng cứ và tham gia phiên họp, phiên tòa đúng theo nội dung thông báo, triệu tập của Tòa án”, báo cáo nêu.
Tình trạng chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước chưa nghiêm, chậm triển khai thực hiện.
Việc theo dõi thi hành án hành chính có lúc mang tính thụ động, do chỉ có thẩm quyền theo dõi, nhắc nhở, kiến nghị. Có vụ việc UBND chậm trả lời về việc thi hành án, làm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chưa được đảm bảo dẫn đến bức xúc, khiếu nại…
Phú Quốc có nhiều án hành chính
“Một số trường hợp bản án tuyên xử buộc Chủ tịch UBND, UBND hoặc Cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, điều chỉnh quyết định thu hồi đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết khiếu nại…
Tuy nhiên, khi thực hiện, người được thi hành án không hợp tác, hoặc không có mặt tại địa phương nên không thực hiện được các thủ tục quy định như bản án tuyên”, báo cáo nêu.
Các vụ án hành chính ở tỉnh Kiên Giang phần lớn người phải thi hành án là UBND TP Phú Quốc, chủ tịch UBND TP Phú Quốc. Mặc dù UBND TP Phú Quốc cũng rất quan tâm đến vấn đề tự nguyện chấp hành bản án hành chính, nhưng việc khôi phục lại quyền và lợi ích cho đương sự theo nội dung bản án, chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Do đó, cần phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, cần có nhiều thời gian mới thi hành xong bản án.
Ngoài ra cũng có nguyên nhân chủ quan là các cơ quan chuyên môn được chủ tịch UBND phân công chậm tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo; Nhiều vụ việc khó khăn vướng mắc phải báo cáo xin ý kiến cấp trên, chờ ban hành cơ chế chính sách dẫn đến kéo dài thời gian thi hành.
Phú Quốc đã thi hành án 19/86 bản án
Theo báo cáo của UBND TP Phú Quốc, tổng số bản án hành chính của Chủ tịch UBND, UBND TP Phú Quốc phải thi hành hiện nay (đến ngày 25-7) là 86 bản án. Trong đó, năm 2023 chuyển sang 67 bản án, chiếm tỷ lệ 77,91% và tiếp nhận thi hành năm 2024 là 19 bản án, chiếm tỷ lệ 22,09%.
UBND TP Phú Quốc đã ban hành 86/86 văn bản tự nguyện thi hành án, đạt tỷ lệ 100%. Bản án đã thi hành xong là 19/86; đạt tỷ lệ 22,10% (đã ban hành 19/19 thông báo hoàn thành nghĩa vụ thi hành án, đạt tỷ lệ 100%).
Bản án đang tạm đình chỉ thi hành án 2/86 bản án, tỷ lệ 2,32% và bản án đang thi hành 65/86 bản án, tỷ lệ 75,58%.