Trong các hội thảo phục vụ cho nghiên cứu nói trên, các chuyên gia đã đề cập vấn đề sụt giảm lao động di cư đến TP.HCM, từ khoảng 200.000 người/năm xuống khoảng 65.000 người vào năm 2023, lo ngại điều này sẽ đặt ra thách thức cho TP.HCM trong việc bảo đảm nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Tăng tỉ lệ lao động trình độ cao và năng suất
Kết quả ban đầu từ nghiên cứu này lại cho thấy rằng, nhìn một cách tổng thể, vai trò của lao động di cư đối với TP.HCM ngày càng thể hiện theo xu thế tích cực.
Theo đó, lao động di cư đến TP.HCM có xu hướng giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, tăng dần tỉ trọng lao động ngành điện, điện tử, giảm dần tỉ trọng ngành dệt may, giày da.
Tỉ lệ nhóm lao động di cư có trình độ học vấn có xu hướng tăng lên. Tỉ lệ công nhân chuyên môn kỹ thuật bậc trung (có tay nghề) cũng gia tăng liên tục. Tỉ lệ lao động phổ thông dù vẫn còn chiếm tỉ lệ cao nhưng đã giảm xuống rõ nét.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này cho thấy đã có sự chuyển dịch trình độ học vấn của người lao động di cư từ mức thấp sang mức cao hơn. Nói cách khác, lao động di cư đến TP.HCM ngày càng được chọn lọc, tỉ lệ lao động có trình độ học vấn ngày càng cao.
Kết quả từ nghiên cứu nói trên cũng tương đồng khi so sánh với tỉ trọng đóng góp của lao động di cư vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) mà nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích.
Theo đó, ba nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018-2023 bao gồm Vốn, Lao động và Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Trong đó, tỉ lệ đóng góp của yếu tố nguồn lao động và vốn có xu hướng giảm dần qua các năm. Còn năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) lại có sự gia tăng và hiện chiếm tỉ lệ cao nhất.
Tỉ lệ dân số tăng tự nhiên của TP.HCM đang giảm mạnh, cộng với tình trạng cạnh tranh thu hút lao động di cư, nhất là từ phía các tỉnh thành khác trong vùng.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo điều này xảy ra có thể dẫn đến tình trạng TP.HCM sẽ thiếu nguồn lao động tại chỗ và khó phát triển bền vững.
“Tỉ trọng của TFP cao nhất cho thấy TP.HCM đang hướng tới việc tăng trưởng thông qua tăng năng suất tổng hợp, thay vì chỉ dựa vào vốn hay lao động.
Gia tăng TFP thường gắn liền với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý và nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động.
Điều này cũng cho thấy một định hướng bền vững, hạn chế phụ thuộc vào tăng trưởng vốn hoặc số lượng lao động, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của TP.HCM”, tiến sĩ Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ.
Nhận diện các thách thức của lao động di cư
Nghiên cứu Lao động di cư trong nước đến TP.HCM (giai đoạn 2019-2022) – Thực trạng và giải pháp do tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Hương (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) chủ nhiệm, được triển khai từ tháng 12-2023 với 1.200 lao động di cư.
Nhóm nghiên cứu nhận định lao động di cư có đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM, nhất là ở khu vực phi chính thức, với tỉ lệ đóng góp khoảng 8-11% vào GRDP.
Tỉ lệ này giảm nhẹ trong thời kỳ hậu COVID-19 do tình trạng mất việc làm và sự di cư ngược về quê. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi lực lượng này đã quay trở lại tham gia chủ yếu vào các ngành dịch vụ, công nghiệp và kinh tế vỉa hè.
Đây là nguồn cung lao động quan trọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp vào nền kinh tế nhờ chi phí lao động thấp và tính linh hoạt cao.
Đồng thời ,nhóm nghiên cứu cũng nhận diện những thách thức của lao động di cư, đưa vào nghiên cứu, phân tích để từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách với các vấn đề nổi bật.
Thứ nhất, điều kiện sống và làm việc chưa ổn định. Theo đó, lao động di cư thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở giá rẻ, dịch vụ y tế và giáo dục. Điều này đặc biệt phổ biến trong khu vực phi chính thức, nơi lao động thường không có hợp đồng lao động và không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội.
Thứ hai, thiếu thụ hưởng an sinh xã hội. Một tỉ lệ lớn lao động di cư chưa được bao phủ bởi bảo hiểm y tế và xã hội. Đây là rào cản lớn trong việc đảm bảo an sinh và sự phát triển bền vững của lực lượng lao động này.