Lập hồ sơ khống, biến không thành có để chiếm đoạt 31 tỉ, loạt cán bộ doanh nghiệp hầu tòa

Bị cáo Lê Hữu Tiến (thứ 2 từ trái sang) cùng các bị cáo trong vụ án tham ô, trốn thuế tại Công ty 878 – đơn vị thi công cống Tân Thuận thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC MINH

Ngày 7-11, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản, trốn thuế xảy ra tại Công ty CP Cơ khí và Xây dựng công trình 878 (gọi tắt là Công ty 878) – đơn vị thi công cống Tân Thuận thuộc siêu dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM.

Các bị cáo phải hầu tòa là Lê Hữu Tiến (nguyên giám đốc), Trần Việt Hùng (nguyên phó giám đốc), Trương Văn Huy (nguyên trưởng phòng vật tư thiết bị) và Lê Văn Tuấn (nguyên kế toán trưởng) của Công ty 878.

Lập hồ sơ khống, biến không thành có ở dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Công ty 878 là thành viên của Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (trụ sở ở Hà Nội).

Vào năm 2016, Công ty CP Xây dựng và lắp máy T.N giao gói thầu xây lắp hạng mục cống kiểm soát triều Tân Thuận thuộc dự án giải quyết ngập khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) cho liên danh 5 công ty thuộc Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt thực hiện. 

Đứng đầu liên danh này là Công ty 878.

Thời gian này, Lê Hữu Tiến là giám đốc Công ty 878 đã ký hợp đồng với Công ty T.N để thực hiện xây dựng cống kiểm soát triều Tân Thuận.

Công trình này được kỳ vọng là giải pháp ngăn triều từ sông Sài Gòn vào kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ – Bến Nghé, giúp người dân quận 7, quận 4 và quận 8 thoát cảnh ngập nước.

Tuy nhiên đến năm 2018, Công ty T.N có văn bản đề nghị dừng thi công công trình. 

Công ty 878 đã lập 13 bộ hồ sơ đề nghị Công ty T.N thanh toán khối lượng hoàn thành với tổng số tiền hơn 163,7 tỉ đồng.

Công ty T.N đã thanh toán cho Công ty 878 hơn 156,2 tỉ đồng.

Sau khi nhận tiền từ Công ty T.N, Công ty 878 đã trả tiền xây dựng cho 4 công ty còn lại trong liên danh với tổng số tiền là hơn 74,2 tỉ đồng. Còn lại Công ty 878 nhận hơn 81 tỉ đồng.

Qua xác minh, gói thầu công trình cống Tân Thuận đã được liên danh 5 công ty thi công thực tế và thanh toán như trên. Sau khi nhận tiền, Lê Hữu Tiến đã chỉ đạo cấp dưới tìm mua hóa đơn giá trị gia tăng và lập hồ sơ khống để để rút tiền của công ty.

Cụ thể, các bị cáo đã lập hồ sơ và mua 15 hóa đơn giá trị gia tăng khống của 4 công ty xây dựng trên cả nước để chiếm đoạt hơn 31 tỉ đồng.

4 công ty này chưa từng đưa máy móc, con người đến thi công tại cống Tân Thuận nhưng vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty 878. 

Thậm chí nhiều giám đốc của những công ty này còn… không biết mình là giám đốc vì công ty chi hóa đơn là công ty “ma”.

Tham ô để… “chi cho thầu trên”

Sau khi “rút ruột” hơn 31 tỉ đồng của Công ty 878 từ dự án cống ngăn triều Tân Thuận, Lê Hữu Tiến khai rằng đã sử dụng số tiền đó để “chi cho thầu trên của dự án (là Công ty T.N – PV)”.

Cũng bằng thủ đoạn trên, Lê Hữu Tiến cùng cấp dưới đã lập hồ sơ khống, mua hóa đơn giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền từ dự án xây dựng cầu Thạch Bích (tỉnh Quảng Ngãi). 

Dự án này do UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và Công ty CP Xây dựng công trình đường sắt 796 (gọi tắt là Công ty 796) được giao xây dựng các trụ, mố cầu.

Công ty 796 đã giao khoán cho Công ty 878 xây dựng trụ cầu T7 và T8 của cầu Thạch Bích với giá trị hợp đồng hơn 8 tỉ đồng. Công ty 796 đã thanh toán hơn 5 tỉ đồng cho Công ty 878.

Sau khi nhận tiền, Lê Hữu Tiến đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, mua hóa đơn của một công ty “ma” có trụ sở ở TP.HCM để chiếm đoạn 2,8 tỉ đồng từ Công ty 878.

Tại tòa, Lê Hữu Tiến khai rằng đã dùng số tiền chiếm đoạt từ Công ty 878 để chi lại cho 2 tổng thầu là Công ty T.N và Công ty 796. Tuy nhiên việc chi tiền này chỉ là thỏa thuận miệng và không có giấy tờ gì xác nhận.

Đại diện Công ty T.N tại phiên tòa cũng đã bác bỏ thông tin nhận tiền trên.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không xác định được người nhận tiền như lời khai của các bị cáo.

Ngoài ra bị cáo Lê Hữu Tiến còn bị truy tố tội trốn thuế vì sử dụng 15 hồ sơ, hóa đơn khống liên quan đến hai công trình trên để khấu trừ thuế cho công ty, làm thất thoát của Nhà nước hơn 7,6 tỉ đồng.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *