Ngày 9–8, bác sĩ Tạ Hữu Nghĩa – phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu – cho biết ê kíp bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho người đàn ông bị ứ mủ thận có nguy cơ sốc nhiễm trùng và tử vong do sỏi thận lớn.
Bệnh nhân là ông L.N. (79 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở hông lưng bên trái. Người nhà ông N. cho biết ông bị đau đã lâu, tái đi tái lại nhiều lần, kèm theo nhiều đợt sốt không rõ nguyên nhân, có dùng thuốc tại nhà nhưng không cải thiện.
Kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán ông N. có nhiều viên sỏi lớn vùng thận bên trái, gây ứ nước thận khu trú, có tình trạng nhiễm trùng mức độ nặng vùng thận và nước tiểu.
Ông N. được điều trị kháng sinh và cấy nước tiểu để tầm soát nguyên nhân nhiễm trùng, tránh tình trạng sốc nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng. Sau điều trị kháng sinh theo phác đồ, bệnh nhân được mổ hở lấy sỏi, kèm dẫn lưu ổ mủ thận.
Các bác sĩ đã lấy ra nhiều viên sỏi thận nhiễm trùng, viên to nhất kích thước 3cm, đồng thời hút ra khoảng 100ml mủ thận đục như sữa đặc từ thận bệnh nhân. Hậu phẫu sức khỏe ông N. hồi phục rất tốt, được theo dõi hậu phẫu và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nghĩa cho biết sỏi thận nói riêng hay sỏi đường tiết niệu nói chung có các triệu chứng rầm rộ như đau dữ dội vùng hông lưng có sỏi, nhưng cũng có trường hợp chỉ có các triệu chứng mơ hồ như trường hợp trên.
Sốt lạnh run là một trong các triệu chứng nặng của sỏi đường tiết niệu có thể gây viêm thận, bể thận, thậm chí gây thận ứ mủ, dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Ông Nghĩa khuyến cáo nên tầm soát sức khỏe định kỳ và siêu âm kiểm tra sỏi 3 tháng/lần, uống nhiều nước (mỗi ngày 2 lít), thường xuyên tập thể dục thể thao, vận động để tránh ứ đọng tạo sỏi.
Nếu sỏi đã hình thành trong cơ thể, nên đến các trung tâm tiết niệu lớn để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng quá muộn gây nhiều biến chứng đáng tiếc về sau.