Trong hơn 30 năm lịch sử của Premier League, có 4 HLV đã thực sự tạo dựng nên khái niệm “kỷ nguyên” ở các đội bóng mà họ dẫn dắt. Đó là Alex Ferguson của Man United, Arsene Wenger của Arsenal, Jurgen Klopp của Liverpool và Pep Guardiola của Man City.
Bài học của Man United và Arsenal
Trong số đó, Pep hiện vẫn còn gắn bó với Man City, Klopp vừa rời ghế HLV trưởng Liverpool mùa trước. Còn 2 cây đại thụ Ferguson cùng Wenger đến nay vẫn để lại nỗi nhớ dai dẳng cho các đội bóng gắn liền với họ.
Mùa hè 2013, David Moyes tiếp quản ghế HLV trưởng Man United dưới sự đề bạt của ông Ferguson. Nhưng kỷ nguyên mới của M.U đã khởi đầu vô cùng tồi tệ. Ngay ở vòng 3 Premier League mùa giải năm đó, Man United bại trận trước Liverpool. Một trận thua dự báo tương lai tăm tối chờ đợi cả Moyes lẫn Man United. Họ thua thêm 2 trận ở vòng 5, 6 và không thể nào tiếp cận cuộc đua vô địch được nữa. Đến tháng 4, HLV Moyes nhận trát sa thải khi “quỷ đỏ” đang xếp hạng 7 giải đấu. Đồng thời, họ cũng bị loại ở tứ kết Champions League.
Dù là người đồng hương và được chính Ferguson đề bạt, HLV Moyes vẫn không thể trụ nổi trước áp lực dữ dội từ một kỷ nguyên quá vĩ đại. Áp lực đó là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng ban lãnh đạo Man United, Ferguson và cả Moyes cũng là những người phạm phải sai lầm.
5 năm sau khi Ferguson giải nghệ, kỳ phùng địch thủ của ông là Wenger cũng đưa ra quyết định tương tự ở Arsenal. “Pháo thủ” chọn Unai Emery làm người kế nhiệm. Không ai có thể phủ nhận tài năng, cũng như tiềm năng mà HLV người Tây Ban Nha (năm đó ông mới 47 tuổi) hứa hẹn. Nhưng rồi Emery cũng chỉ trụ được hơn một mùa giải.
Cả Man United và Arsenal đều đã thất bại trong cuộc chuyển giao của họ. Những HLV vĩ đại nhất lịch sử đội bóng rời đi, và rồi ban lãnh đạo không thể nào thay thế được họ. Sau hơn 10 năm, Man United thời hậu Ferguson vẫn lạc lối. Còn Arsenal cũng mất khoảng 5 năm mới lấy lại được vị thế như dưới thời “giáo sư”.
Tầm nhìn xa của Klopp
Cần rất nhiều bút mực để phân tích lý do Man United và Arsenal lạc lối lâu đến thế. Gần đây, Arsene Wenger thừa nhận rằng ông đã sai lầm khi tại vị quá lâu ở Arsenal (22 năm). Thực ra, Arsenal đã sa sút đáng kể trong khoảng 3 năm cuối cùng thời Wenger. Và Emery chỉ là nạn nhân của kỳ vọng. Khi ông tiếp quản đội bóng, Arsenal chỉ mang thực lực của một đội hạng 5, hạng 6 Premier League, nhưng kỳ vọng thì lại quá lớn. Còn David Moyes? Câu trả lời: không đủ tầm cỡ.
Nhìn vào 2 bài học kinh điển đó, các CĐV Liverpool đã vô cùng lo sợ cho tương lai của họ khi HLV Klopp thông báo ra đi vào giữa mùa giải trước. Nhưng rồi Arne Slot đến. Trong một mùa hè Liverpool gần như án binh bất động trên thị trường chuyển nhượng, nhưng vẫn duy trì được thói quen chiến thắng dưới thời Klopp.
Có nhiều điểm khác biệt đáng kể giữa Liverpool lúc này và Man United – Arsenal trong quá khứ. Trước tiên, Klopp không ở Anfield quá lâu. Bản thân chiến lược gia người Đức cho thấy ông là kẻ thức thời hơn so với Wenger. Klopp rời đi ngay khi nhận ra “tôi là vấn đề khiến đội bóng không thể tiến bộ hơn nữa” – như ông từng tuyên bố.
Mọi chuyện lại càng suôn sẻ hơn khi thời điểm Klopp rời đi chính là giai đoạn Liverpool gần như đã hoàn tất cuộc tái thiết. Chỉ còn một số ngôi sao thế hệ cũ như Salah, Van Dijk, Robertson và Alisson bám trụ ở đội. Những trụ cột còn lại đều trong độ tuổi 25, 26 trở xuống. Arne Slot đến và nhận một món quà tuyệt vời từ Klopp. Đó là những cầu thủ còn trẻ trung, còn nhiều tham vọng và tiềm năng để phát triển như Gakpo, Szoboszlai, Mac Allister, Gravenberch, Konate…
Liverpool đã làm tốt giai đoạn chuyển giao của họ. Thắng 8/9 trận đầu tiên trong mùa giải (mọi đấu trường) là thành tích đủ để HLV Arne Slot yên tâm cho tương lai của ông. Ít nhất, Liverpool lúc này không quá nhớ Klopp, như Man United vẫn còn da diết hoài niệm về ông Ferguson sau hơn 1 thập niên.