3 năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ổn định quanh 1 triệu thí sinh. Thế nhưng, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội liên tục tăng trong khoảng 7 năm qua. Điều này đồng nghĩa với số lượng thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên giảm, nguồn tuyển cho khối trường kỹ thuật công nghệ cũng ít đi.
Năm 2024, có gần 1,1 triệu thí sinh dự thi. Trong đó, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội chiếm 63%, tăng 7,7% so với năm trước.
7 năm trước, vào năm 2017, lần đầu tiên bài thi khoa học xã hội được đưa vào thi tốt nghiệp. Thí sinh được chọn bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên để dự thi bên cạnh 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ.
Khi đó, có 372.932 thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội và 289.835 thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên. Con số chênh lệch khoảng 90.000, không quá lớn. Đến năm 2023, con số chọn khoa học xã hội là 566.921 và khoa học tự nhiên là 323.187. Con số chênh lệch đã lên gần 250.000 thí sinh.
Năm 2024, sự chênh lệch này còn tăng lên đáng kể. Thống kê kết quả 100 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất, 97 thí sinh thi khoa học xã hội, chỉ có 3 thí sinh thi khoa học tự nhiên.
Chúng tôi thử thống kê lên con số 200 thì cũng chỉ có vỏn vẹn 5 thí sinh thi khoa học tự nhiên lọt vào danh sách này. Thủ khoa tốt nghiệp cũng là các thí sinh thi khoa học xã hội.
Ở khía cạnh đơn vị đào tạo, ông Võ Văn Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang, cho biết các ngành khối kỹ thuật – công nghệ của trường tuyển sinh khó khăn hơn rất nhiều so với nhóm ngành khoa học xã hội. Điểm chuẩn khối ngành kỹ thuật thấp hơn khoa học xã hội 4 – 5 điểm vẫn khó tuyển thí sinh.
“Thực sự thí sinh xét tuyển vào các ngành khoa học xã hội rất lớn, quá nhiều. Ở khối kỹ thuật công nghệ, ngoại trừ các trường lớn, uy tín thì những trường đa ngành đều khó tuyển khối ngành kỹ thuật.
Thẳng thắn thừa nhận nhu cầu nhân lực khối ngành khoa học xã hội lớn hơn nhưng không phải cao hơn quá mức như việc đào tạo hiện nay. Đến một lúc nào đó có thể sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa nhân lực ngành khoa học xã hội đã qua đào tạo đại học” – ông Tuấn nhận định.
Là trường đại học đào tạo đa ngành, ông Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết khối ngành kỹ thuật công nghệ luôn có điểm thấp hơn khối ngành kinh tế – dịch vụ.
Tính ở mức độ toàn quốc, số thí sinh nhập học khối ngành kỹ thuật năm 2023 chỉ bằng 1/3 khối ngành kinh tế. Trong khi đó, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng tăng khiến cho sự mất cân đối nhân lực các ngành nghề có thể xảy ra.
Rõ ràng đây là xu hướng lệch lạc, trong khi đó kỹ thuật công nghệ là lĩnh vực nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá xu hướng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng tăng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực các ngành nghề.
Rõ ràng nhu cầu đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ không hề nhỏ nhưng nhiều trường khó tuyển sinh. Trong khi đó, các ngành khoa học xã hội tuyển sinh tốt hơn.
Việc thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội chưa hẳn vì thí sinh thích, đơn giản vì thi dễ hơn, dễ vào đại học hơn. Do đó, thí sinh chọn thi khoa học xã hội vì mục tiêu vào đại học là chính bởi số lượng ngành và chỉ tiêu khoa học xã hội, kinh tế cũng nhiều hơn.
Trong ngắn hạn có thể chưa có nhiều tác động, nhưng về lâu dài nó sẽ có nguy cơ gây mất cân bằng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Đó là điều rất đáng lo ngại.