Mẹ chồng – nàng dâu thời nay – Kỳ 4: Thưa mẹ, vợ chồng con xin ra ở riêng

Ở chung có sự ấm cúng, niềm vui bữa cơm gia đình, nhưng đôi khi hai bên không cảm nhận được – Ảnh: Y.TRINH

Với những gia đình sống chung mà mâu thuẫn, cách giải quyết này xem ra tạm ổn.

Ngôi nhà im lặng

“Mình ra riêng thì người khác ở với mẹ…”, nghe giọng con dâu trong phòng, bà Phan Diệu (61 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) chững lại. Đang quét nhà gần phòng hai vợ chồng người con, những lời của con dâu lọt vào tai bà “đã quyết rồi sao anh cứ lừng khừng”. Đó là những ngày con trai và con dâu bà sắp ra riêng, và cũng là thời điểm bà buồn vui lẫn lộn.

Khi người con trai cưới vợ, do căn nhà con mua ở tuốt Bình Chánh nên bà nói vợ chồng cứ về ở với bà. Dù có bất tiện như từ nhà tới chỗ làm hơn chục cây số lại hay kẹt xe, nhưng như vậy sống gần gũi mẹ và sau này con dâu sinh đẻ thì có bà phụ trông cháu.

Những ngày đầu, người con dâu thể hiện tính tình nhỏ nhẹ, gọi dạ bảo vâng và chú ý phụ bà việc lặt vặt như rửa chén, quét nhà. Bà kể: “Hai đứa đi làm từ sáng sớm tới chừng 7h tối mới về tới. Tôi ở nhà đi chợ nấu cơm, dọn dẹp, chờ con về ăn cơm chung cho vui”. 

Nhưng người đời hay nói ở lâu mới biết mặt nhau. Vài tháng sau, những khúc mắc hình thành, như những cơn sóng gợn lăn tăn trên mặt hồ.

Kể rằng tính mình hay lam hay làm, thường chịu đựng nếu có chuyện không vừa ý, bà hiếm khi nào nặng nhẹ con cái. Ở đô thị nhưng nếp sống của bà như ở quê. Dậy từ 5h sáng, bà nấu cơm, làm đồ ăn cho hai con đem đi ăn trưa. Gần trưa, bà lụi cụi nấu cho buổi trưa và chiều. Có những tối, bà đợi cơm nhưng mãi tới 21h con mới về rồi nói “con ăn rồi”.

Cách sinh hoạt, khoảng cách thế hệ cùng những chuyện không vừa ý thường ngày khiến khoảng cách mẹ chồng nàng dâu ngày càng xa.

Tối về, ăn cơm xong là con dâu vào phòng đóng cửa. Con trai ngồi phòng ngoài lướt mạng xã hội một lúc rồi cũng vào phòng. Chủ nhật, hai vợ chồng chở nhau về nhà ngoại, hoặc tụ tập nhà bạn ăn uống. Cuối tuần nào con ở nhà, bà loay hoay đi chợ nấu cơm. Chẳng có cảnh con dâu chở mẹ chồng đi mua sắm, đi chợ… mà bà thường thấy trên những bộ phim hay trong lời kể của bạn bè.

Thời gian trôi, những mâu thuẫn nhỏ in hằn thành rạn nứt lớn. Cả nhà ít khi nói chuyện với nhau, chỉ là những lời chào, những câu ngắn gọn.

“Ở trong nhà mình mà tôi thấy ngột ngạt. Có ngày con về không nói năng gì. Tôi cũng không biết phải làm sao nữa. Dần dần tôi thấy mệt mỏi, chứng lo âu và mất ngủ nặng hơn”, bà tâm sự giọng buồn buồn.

Tình yêu thương, sự cởi mở, biết lắng nghe và cảm thông sẽ giúp gia đình mấy thế hệ ở bên nhau vui vẻ, ấm yên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình yêu thương, sự cởi mở, biết lắng nghe và cảm thông sẽ giúp gia đình mấy thế hệ ở bên nhau vui vẻ, ấm yên – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Bằng mặt mà không bằng lòng”

Câu nói trong nhân gian này ứng với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của chị Bảo Nghi (29 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn). Chị kể rằng ngày mới về làm dâu, vợ chồng chị sống chung với mẹ chồng trong căn nhà nhỏ tươm tất. Khi con gái chị ra đời, những ngày ở cữ, mẹ chồng lo liệu trong ngoài, nấu nướng cho chị, pha sữa cho cháu.

“Mẹ ruột tôi có gia đình khác nên nhiều năm nay ít khi tới lui. Lúc tôi sinh đẻ cũng chỉ có gia đình chồng ở bên. Thấy mẹ chồng chăm mình, nhiều lúc thấy cảm động lắm”, chị trải lòng.

Tuy nhiên, khi con gái chị được hơn 1 tuổi, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nảy sinh ngày càng nhiều. Có mặt chị, mẹ chồng ngồi la mắng “phong long” mà từng lời như xát muối. Mẹ chồng đã ly hôn nhưng thường xuyên lôi những tính xấu của chồng ra chì chiết khi ông ghé thăm cháu.

Mâu thuẫn lớn nhất là về chuyện tiền nong. Chị phát hiện chồng mình thường đưa tiền cho mẹ chồng xài riêng. Chị kể: “Có những hôm trong nhà không còn đồng nào. Chồng tôi lãnh lương, liên tiếp chẳng thấy đưa tiền cho tôi. Mẹ chồng nói hớ ra tôi mới biết”.

Cũng vì những mâu thuẫn đó, vợ chồng chị thường mặt nặng mày nhẹ với nhau, và cả với mẹ chồng. Chồng bênh mẹ. Ngày kia, mẹ chồng tuyên bố “tụi bây đi đâu được thì đi đi”. Một bữa, con gái chị leo cầu thang nghịch, được ba, bốn bậc thì té xuống. Con khóc, chồng la mắng chị không ngó chừng con. Mẹ chồng thì bênh con trai… Chị bỏ một tuần đi xem nhà trọ mới, rồi nói với chồng: “Nếu anh không dọn ra thì tôi với con đi”.

Vậy là ba thế hệ chia hai ngả. “Chồng tôi vẫn thường xuyên ghé thăm mẹ, mẹ gọi gì là đi liền. Nhưng tôi chỉ những dịp lễ tết mới ghé. Chồng vẫn tiếp tục đưa tiền cho mẹ mà không đả động gì tôi. Tôi biết anh có hiếu, nhưng mẹ chồng có thu nhập khá, trong khi vợ chồng tôi phải chật vật nuôi con, có khi phải vay mượn người ngoài”, chị giãi bày.

Chăm sóc bản thân, bớt lo nghĩ cho con

Từ khi con ra riêng, bà Diệu thảnh thơi hơn. Không phải buồn vì những chuyện thường ngày tiếp xúc, bà nhận ra trước đây mình cũng có nhiều lúc khó tính, suy nghĩ nặng nề. Lúc con mới ra riêng, ban đầu chỉ có con trai về thăm bà.

Dần sau đó, con dâu thi thoảng về chơi. Hai bên bớt một chút sự lạnh lùng xa cách. Có những buổi tối mưa gió ầm ầm, bà thẫn thờ, nhớ con, nhớ những ngày con độc thân một tay bà chăm sóc, cơm nước, đi chợ có miếng gì tươi ngon là nghĩ mua về nấu cho con.

Rồi con dâu mang thai, sinh con. Tuy rằng cô con dâu vẫn đối xử khách sáo, sợi dây thân thiết cũng còn lỏng lẻo, nhưng thông qua đứa trẻ, bầu không khí gia đình mỗi khi gặp mặt cũng không còn nhiều căng thẳng. Con trai vài lần đón bà qua chơi với cháu.

Cũng từ dạo đó bà Diệu biết dành thời gian cho bản thân hơn. Bà không còn trở mình thức giấc giữa đêm, không phải căng đầu tính toán chuyện chợ búa cơm nước như trước. Bà nhờ cháu gái chỉ cách dùng Facebook, kết bạn với họ hàng, những người bạn cũ.

“Có người nhắn tin, trò chuyện, rủ đi ăn uống tôi thấy vui. Lâu lâu tôi về quê chơi hoặc ghé nhà con gái lớn cho khuây khỏa. Hằng ngày thì trồng bông, nuôi mấy con mèo”, bà nói.

Theo bà, nếu quá mệt mỏi với việc ở chung, cứ tiếp tục sẽ càng trầm trọng. Bây giờ, bà không còn buồn vì con ra riêng. Bà thấy rằng đó là quyết định hợp lý, thậm chí sáng suốt cho đôi bên.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt), ở riêng xét ở góc độ nào đó là một giải pháp tốt. Vì chung có thể đụng, các thành viên ăn ở sinh hoạt cùng nhau sau một thời gian thế nào cũng có những lúc bận rộn, trạng thái tâm lý không tích cực.

“Từ đó, những người trong nhà sẽ có những chuyện không vừa ý nhau. Ở chung dễ nảy sinh u nhọt mâu thuẫn, xung đột, đụng chạm quyền lợi”, thạc sĩ Tâm chia sẻ.

Ở riêng có thể đỡ mệt mỏi những chuyện nhỏ nhặt kể trên, tuy nhiên cũng có những thiệt thòi. Cụ thể, những lúc hai bên cần nương tựa, như ba mẹ chồng bệnh cần con dâu nấu nồi cháo, hoặc con dâu sinh nở cũng cần mẹ chồng trông nom, chăm sóc cháu. Nhưng lợi lạc này người ta không nhìn thấy, người ta chỉ thấy những phiền phức, mâu thuẫn là nhiều.

Giải quyết bằng sự cảm thông, độ lượng

Con người khao khát cuộc sống tự do, do đó chuyện ở chung đa số đều không muốn. Họ chấp nhận ở riêng, kể cả đi mướn nhà. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời để giảm bớt mâu thuẫn. Ở riêng nhưng có những chuyện lớn tồn tại cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn, như chuyện chồng đưa tiền cho cha mẹ nhưng vợ không đồng ý…

“Nếu chúng ta không giải quyết câu chuyện bằng sự đồng thuận, cảm thông, độ lượng, yêu thương, quan tâm thì xung đột vẫn xảy ra như thường”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm nhắn nhủ.

————————–

Nhà có 3 cô con dâu, ai cũng nói bà số hưởng, tự dưng không sinh mà có thêm 3 cô con gái cùng 3 chàng trai của mình. Nhưng thực tế không đơn giản vậy…

Kỳ tới: Dâu tốt, dâu xấu và nuối tiếc muộn màng của mẹ chồng

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *