Nguyễn Đức Quang Ánh
Nhận tin đậu vào ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Nguyễn Đức Quang Ánh vui lắm.
Nhưng vui nhất là bà ngoại Phạm Thị Diệu, 82 tuổi, người tảo tần nuôi 4 chị em Ánh ăn học suốt 15 năm qua. “Tôi vui lắm. Thằng cháu út giờ vào trường đại học rồi, nhưng tôi già yếu, vườn tược không có, không làm gì ra tiền”, bà Diệu nói.
19 tuổi học lại lớp 8
Quang Ánh sinh năm 2000, lớn hơn các bạn cùng lớp 6 tuổi. Cứ ngỡ Ánh thi lại nhiều năm, nhưng đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của Ánh.
“Học đến năm lớp 8, tôi nghỉ học đến 6 năm, phần vì bà ngoại khó khăn, bố mẹ mất sớm không có ai chỉ bảo, tôi lại ham chơi game. Thời gian nghỉ học, tôi vừa làm thêm nghề hương vừa “cày” game cho người khác”, Ánh kể.
Năm 19 tuổi, nghĩ đến tương lai bản thân và bà ngoại già yếu, Ánh xin đi học lại lớp 8. Thầy cô trường THCS biết hoàn cảnh nên rất hoan nghênh Ánh. “Tôi cũng ngại ngùng vì lớn tuổi hơn các bạn, nhưng quyết tâm vượt qua”, anh nói với chương trình Tiếp sức đến trường.
Học trung tâm giáo dục thường xuyên đậu Bách khoa Đà Nẵng
Vì quá tuổi vào trường THPT, Ánh học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Gio Linh (Quảng Trị).
Cô Hoàng Thị Kim Dung – phó giám đốc trung tâm – cho biết Ánh là học sinh đặc biệt, lớn hơn về tuổi tác nên hay bị các bạn học trêu đùa.
Dù thế Ánh học trội hơn các bạn rất nhiều, 3 năm học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia này, Ánh đứng thứ 2 toàn huyện Gio Linh, điểm xét tuyển đại học 27,76.
“Ánh rất chăm chỉ, chịu khó, ngoan ngoãn, nỗ lực học tập, rất trách nhiệm. Chúng tôi đôi khi nhờ Ánh kèm thêm cho bạn học, kèm luôn cho con thầy cô.
Đặc thù trung tâm có chất lượng đầu vào thấp, trượt các trường phổ thông mới vào giáo dục thường xuyên. Ánh trở thành điểm sáng. Chúng tôi mong có nhiều học sinh như Ánh”, cô Kim Dung nói.
Vừa học THPT, Ánh vừa đi dạy kèm môn toán cho 2 bạn nhỏ, lương 1 triệu đồng/tháng. Anh tiết kiệm mua được chiếc xe máy “cà tàng” giá 1 triệu đồng để đi lại. Ánh cũng dự định làm gia sư trong thời gian học sắp tới.
Một đời nuôi 4 cháu mồ côi, bà ngoại gần 90 tuổi ‘mong xã hội cứu độ cho cháu’
Bà ngoại Phạm Thị Diệu kể năm 2002, khi Ánh 2 tuổi thì ba (giáo viên) mất do tai nạn giao thông khi đi coi thi. 7 năm sau, mẹ Ánh bỏ lại 4 chị em, ra đi do bệnh ung thư dạ dày sau thời gian dài chữa trị ở Thừa Thiên Huế và TP.HCM.
Ánh và 3 anh chị đầu được bà ngoại đón về, che chở trong gian nhà xây cấp 4 chật chội, không tô trát. Trong đó chị gái đầu của Ánh bị khuyết tật chân tay bẩm sinh, không đi lại được. Năm 2007, bà Diệu bán gà vịt, chắt bóp được 4 triệu đồng mua vật liệu, rồi nhờ con cháu chung tay xây dựng nên. Gian nhà nhỏ thó chỉ có một phòng khách ở trước và một phòng ngủ vừa đủ chiếc giường đơn.
5 bà cháu nằm xoay ngang trên chiếc giường ọp ẹp. Bà Diệu kể chiếc giường sập xuống không biết bao nhiêu lần, rồi giường hư hẳn thì trải chiếu nằm giữa nền nhà.
Đến năm 2012 và 2014, hai tổ chức cho tiền làm thêm hai phòng ở hai bên. 3 phòng liền nhau, xây chắp nối qua tháng năm trở thành nơi tá túc của 5 bà cháu.
Bà Diệu mua khoai về bán ở chợ, trồng thêm sắn, khoai tía, đến mùa thì đi mót lúa, mò cua bắt ốc… sống lay lắt qua ngày.
“Bà cháu tôi cực không tưởng tượng được, cực kể không thành lời. May mắn là thiên hạ thương, người này người kia cho một ít mà các cháu học hành đầy đủ. Mua 50.000 đồng gạo thì họ cho thêm vài lon, ăn 5.000 đồng cháo ở chợ thì có chị bịt mặt, tôi không biết là ai trả tiền giúp. Tôi nhớ hết những người dưng đã giúp bà cháu tôi”, bà Diệu kể.
Bây giờ thì bà Diệu không còn đủ sức để chạy chợ nữa. Bà và cháu gái đầu khuyết tật được Nhà nước trợ cấp hơn 1,4 triệu đồng/tháng.
Ước mơ cuối đời của bà Diệu là cháu út Quang Ánh tiếp bước 2 anh chị, hoàn thành bậc đại học, nên người. “Mấy chú giúp, cứu độ cho với để vượt qua khó khăn, tôi muốn cháu tôi đi học lắm. Cháu nó học ra thì tôi gần 90 tuổi rồi, mãn nguyện rồi”, bà ngoại Ánh cười.
Ngồi cạnh bà ngoại, Ánh nói: “Nếu không có học bổng thì tôi vẫn cố gắng đến trường, ước mơ không dễ gì từ bỏ. Một phần vì có rất nhiều người mong mình học, và mình rất muốn tiếp cận tri thức nhân loại”.
Bà Mai Thị Gái – chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Gio Linh – bày tỏ sự khâm phục khi gia đình nghèo đặc biệt của thị trấn Gio Linh nhưng các anh chị em đều ăn học đầy đủ, dưới sự chăm sóc của bà và bảo trợ của xã hội. Mỗi dịp lễ Tết, hội đều dành phần quà tặng gia đình.
“Ánh vì khó khăn mà không theo học từ đầu đến cuối. Nhưng khi em đi học lại rồi đậu đại học, tôi thường đưa em ra làm tấm gương khi gặp gỡ những học sinh khác”, bà Gái nói.
Tương tự, ông Lê Đình Luận – bí thư Đảng ủy thị trấn Gio Linh – thông tin: “Hoàn cảnh của Ánh thì cả thị trấn đều biết. Gia cảnh khốn khó, mồ côi cha mẹ nhưng các anh chị em đều có nghị lực vượt khó, học hành giỏi giang”.
Năm 2015, anh trai thứ 3 của Ánh là Nguyễn Đức Quang Nhật từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, với suất đặc biệt 60 triệu đồng.
Quang Nhật hiện công tác tại khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và đang được bệnh viện hỗ trợ học nâng cao nghiệp vụ một năm tại TP.HCM.
Quang Nhật cho biết vì mới ra trường chưa có thu nhập đủ để lo cho em, nhưng khi học xong chắc chắn bạn sẽ làm mọi cách để em không bỏ học.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có Báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.