Theo thông tin từ bệnh viện, người mẹ là chị Đ.T.T.H., 41 tuổi, sinh sống tại Hà Nội, hiện có 7 con gồm 3 gái và 4 trai đều khỏe mạnh. Chị đã trải qua 7 lần sinh mổ, trong đó có 5 lần sinh tại Bệnh viện Phụ sản trung ương.
Trong lần mang thai này, do tiền sử mổ 7 lần (6 lần mổ đẻ, 1 lần mổ phụ khoa), lớn tuổi và bị tiểu đường thai kỳ, nên chị H. cũng sinh tại Bệnh viện Phụ sản trung ương.
Trao đổi về trường hợp đặc biệt này, ông Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết: “35 năm làm nghề sản khoa, đây là lần thứ 2 tôi thực hiện ca mổ hy hữu có số lần mổ đẻ nhiều đến thế”.
Theo ông Ánh, trước đó là năm 1996, mới vào nghề, ông Ánh đang là bác sĩ nội trú tại Pháp và đã mổ lấy thai cho một phụ nữ châu Phi mổ đẻ lần thứ 7.
“Đẻ thường đã là nguy hiểm, còn sản phụ này mổ đẻ đến 7 lần là một trường hợp rất hiếm. Trước một ca đặc biệt, tôi cũng rất quan tâm làm sao để tốt cho mẹ và bé, ca mổ đã thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào” – ông Ánh cho biết.
Theo các bác sĩ, sinh thường là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép sinh thường. Người sinh mổ lần 2, 3 đã có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như nứt sẹo mổ cũ, có thai ở vị trí vết mổ, nguy cơ nhau cài răng lược tăng 25%…
Tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Tỉ lệ mổ lấy thai ở Mỹ năm 1996 là 21%, năm 2014: 32,24%; Paraguay: 42%; Ecuador: 40%. Tại Việt Nam, tỉ lệ mổ lấy thai vẫn còn cao, hiện khoảng 39,1%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ này chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con.