Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, vào những ngày tháng 7 âm lịch, chim, cá phóng sinh lại được bày bán tràn lan trước một số cổng chùa. Những con chim bị nhốt, giẫm đạp trong lồng tỏ ra yếu ớt, đuối sức không thể bay nổi.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vòng luẩn quẩn săn bắt, mua bán chim phóng sinh khi nào mới chấm dứt? Việc mua bán chim phóng sinh có vi phạm pháp luật không?
Theo bạn đọc Vinh: “Tôi trách người mua chim hơn là người bán chim. Nếu không có người mua thì chắc là những chú chim vô tội kia không bị bắt nhốt để chờ người đến mua. Hãy nói không với mua chim phóng sinh”.
Độc giả Trung Trần cho rằng: “Những người mua chim phóng sinh là tiếp tay cho tận diệt chim. Tại sao cơ quan quản lý không xử lý, nghiêm cấm việc làm có hại cho chim như vậy?”.
Tương tự, bạn đọc Kathy Hoàng hỏi: “Sao cơ quan liên quan không can thiệp, dẹp bỏ nạn mua bán tràn lan các loại chim này? Chim sẻ có thuộc loài nguy cấp không?”.
Còn bạn đọc Minh có ý kiến: “Chính quyền địa phương nên có bảng cấm và xử phạt những người buôn bán chim phóng sinh”.
“Đề nghị xử lý tận gốc những người mua chim thì mới hết nạn săn bắt. Có cầu ắt có cung!” – tài khoản Vu Nhan Toan bình luận.
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM): Phóng sinh có thể được hiểu là việc thả các con vật như chim, cá vào tự nhiên, không giết hại chúng, thực hiện việc phóng sinh với ý nghĩa hết sức tốt đẹp.
Các loài chim được mua để phóng sinh rất đa dạng như: chào mào, sẻ, họa mi, chích chòe, vành khuyên, cắt, khướu, sáo…
Trong các loài chim này sẽ có loài thuộc động vật thông thường, có loài thuộc động vật nguy cấp, quý, hiếm, có loài thuộc động vật ưu tiên bảo vệ.
Hầu hết các loại chim mua phóng sinh đều là do săn bắt trái phép từ tự nhiên nên việc mua, bán chim phóng sinh là mua, bán trái pháp luật.
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 300 triệu đồng theo quy định tại điều 23 nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 14, điều 1 nghị định số 07/2022/NĐ-CP).