Giới truyền thông Pháp đồng loạt có bài điểm lại những lời khen của truyền thông khắp thế giới về chương trình lễ khai mạc quá đặc biệt của Olympic Paris 2024.
“Paris đã chứng tỏ một ý tưởng táo bạo có thể đem lại ánh sáng chói lòa cho một sự kiện thể thao toàn cầu vốn bị mất đi dần danh tiếng những năm gần đây”, tờ The Washington Post của Mỹ ngợi ca thành công của màn trình diễn có một không hai của đạo diễn trẻ Thomas Jolly.
Những tựa bài ngắn gọn của nhiều cơ quan truyền thông lớn khác cũng đã nói lên sự ngưỡng mộ của khán giả lẫn người am hiểu: “Điên cuồng một cách xuất sắc” (BBC, đài Anh), “Điên rồ” (The Daily Telegraph, báo Úc), “Rực rỡ” (đài CNN của Mỹ).
Nhật báo Mỹ Los Angeles Times cũng hết lời khen ngợi lễ khai mạc: “Paris 2024 đã bắt đầu và người Pháp – những con người sản xuất ra loại pho mát ngon nhất thế giới, thời trang cao cấp đẹp nhất và vô số những sáng tạo tinh tế khác – đã tổ chức lễ khai mạc chắc chắn là độc đáo nhất trong lịch sử Thế vận hội. Dường như không có gì – kể cả trận mưa lớn mùa hè (vào thời điểm diễn ra lễ) – có thể ngăn cản Thế vận hội Paris 2024 tổ chức một trong những lễ khai mạc ngoạn mục nhất từ trước đến nay”.
“Chưa bao giờ có buổi biểu diễn hoành tráng như thế này!” – nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức ngợi khen trên trang web của mình, ca ngợi một “màn khai mạc ngoạn mục”, trong khi như tờ Times of India của Ấn Độ phấn khích trước “lễ khai mạc Olympic hoành tráng và công phu nhất mọi thời đại”.
Nhật báo Folha de São Paulo của Brazil mô tả: “Một buổi lễ tập trung vào sự đa dạng” còn đài CNN của Mỹ tin tưởng lễ khai mạc “sẽ đi vào huyền thoại Olympic”. Nhật báo Kathimerini của Hy Lạp tóm tắt: “Một bữa tiệc tuyệt vời”.
“Một phong cách độc nhất vô nhị” đài phát thanh BBC của Anh khen thưởng và tin rằng “Paris đã thành công vang dội trong kế hoạch của mình”.
Nhật báo lớn La Repubblica của Ý cũng có nhắc đến chuyện thời tiết bất lợi: “Lễ hội Paris dọc sông Seine: mưa và ánh sáng cho lễ khai mạc”. Một số tờ nhật báo của Đức cũng đã nói về chuyện mưa gió, chẳng hạn như tờ Rheinische Post với tựa đề: “Paris vẫn tưng bừng lễ hội”.
Báo chí Tây Ban Nha cũng không thể chê bai. “Sự vĩ đại của Olympic” là tựa đề của tờ La Vanguardia trong khi nhật báo thể thao Marca đặt tựa “Paris, chúng tôi ở đây” để nhắc rằng các vận động viên xứ bò tót có mặt ở Paris để làm nên chuyện. Tờ báo này cũng ngợi khen “buổi lễ khai mạc tuyệt vời nhất trong lịch sử” và “cuộc mở màn tạo ra ngây ngất”.
Nhật báo El País thì chơi chữ trong tựa đề: “Pháp khai mạc Thế vận hội/cuộc chơi một cách xuất sắc bất chấp sự phá hoại lớn nhắm vào đường tàu hỏa”. Một tựa đề đầy chất thời sự nhắc đến vụ phá hoại đồng loạt vào hệ thống đường sắt Pháp chỉ vài giờ trước khi lễ khai mạc diễn ra trên sông Seine.
Truyền thông Pháp đương nhiên là mưa lời khen. Có lẽ trong nghề làm truyền thông, đây là một thử thách rất lớn với những người phải ra quyết định làm trang bìa như thế nào.
Báo thể thao lớn nhất nước Pháp L’Equipe đặt tựa chỉ một chữ ngắn gọn “Imagine” làm người đọc liên tưởng đến tên bài hát lừng danh của ban nhạc huyền thoại The Beatles, nằm trên tấm ảnh hoành tráng cảnh ngọn lửa Olympic bay bổng lên trời trong quả cầu từ hai huyền thoại thể thao của Pháp là nữ vận động viên điền kinh Marie-José Pérec và nam võ sĩ judo Teddy Riner.
“Imagine” là một ca khúc do nam ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Anh John Lennon thể hiện. Đây là đĩa đơn bán chạy nhất trong sự nghiệp solo của ông, lời bài hát khuyến khích người nghe hãy tưởng tượng về một thế giới hòa bình, không vật chất, không biên giới ngăn cách các quốc gia và không có tôn giáo.
Nhật báo Le Parisien ở thủ đô của Pháp cũng chọn một chữ cho tựa đề trang nhất của mình “Hoành tráng”. Và thật lạ là tựa đề này cũng trùng với tựa đề của nhật báo Paris Normandie.
Trong khi đó nhật báo Libération chọn tựa theo những gì đã diễn ra trong hơn 3 giờ lễ khai mạc “Paris 2024, bùng nổ”. Đó là sự bùng nổ của cảm xúc người xem, sự bùng nổ của những ý tưởng tổ chức táo bạo.