UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống y tế TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
Theo UBND TP.HCM, đề án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời góp phần phát triển du lịch y tế, hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành y tế các địa phương khu vực phía Nam, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của người dân là 77 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,5 tuổi, cả nước là 73,7 tuổi.
Đến 2030, TP.HCM đạt tỉ lệ 23 bác sĩ/10.000 dân, 40 điều dưỡng/10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh đạt 42 giường/10.000 dân, tỉ suất sinh đạt 1,6. Mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh một lần một năm và được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Phát triển y tế chuyên sâu theo ba cụm gồm cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm TP, cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), cụm y tế chuyên sâu TP Thủ Đức có thể hình thành thêm sau năm 2030.
TP.HCM phát triển thêm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phục vụ cho người dân ở các cụm dân cư tương ứng.
Khuyến khích hệ thống y tế tư nhân, phát triển đồng bộ hệ thống y tế dự phòng, củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao năng lực mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện. Hình thành trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng gắn với Viện Pasteur TP.HCM.
Đến 2030, TP.HCM xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Xây thêm cơ sở 2 cho các bệnh viện đang quá tải.
Xây mới các bệnh viện thuộc các chuyên khoa mà TP.HCM chưa có. Xây trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh bằng công nghệ cao. Xây dựng trung tâm cấp cứu 115 cơ sở 2 và cơ sở 3 tương ứng với các cụm y tế chuyên sâu.
TP cũng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế hướng đến xây dựng y tế thông minh.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y – dược TP.HCM.
Phát triển kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng. Phát triển thêm các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế…
Tỉ lệ giường bệnh của TP.HCM thấp hơn nhiều so với các nước tiên tiến
Hiện TP.HCM có 131 bệnh viện, 5 trung tâm không giường bệnh, 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8.000 phòng khám tư nhân và hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dược. Mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP gồm Trung tâm cấp cứu 115 và 42 trạm cấp cứu vệ tinh…
Thời gian qua, ngành y tế đã tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế nhưng hiện nay tỉ lệ giường bệnh chỉ đạt 42 giường/10.000 dân, còn thấp so với một số nước tiên tiến như Nhật Bản là 131giường/10.000 dân, Đức là 82 giường/10.000 dân, Hàn Quốc là 71 giường/10.000 dân.
Hệ thống y tế cơ sở mặc dù đã được đầu tư quan tâm nhưng vẫn chưa thật sự thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã xuống cấp, quá tải như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới…