Phan Nguyễn Phương Anh (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) xin cha mẹ cho đi học vì muốn kiếm tiền bằng con chữ.
Mẹ bán vé số, cha hoại tử khớp, chị hai bệnh bại não
Từ nhỏ thấy cha mẹ phải đội nắng kiếm từng đồng tiền, Phương Anh càng tự nhủ với lòng phải ráng học cho giỏi để sau này trả hiếu cho mẹ cha và phụ tiếp chăm sóc chị hai.
Trung tuần tháng 9, những ngày mưa bão tầm tã, chị Nguyễn Thái Dương (49 tuổi, mẹ Phương Anh) áo quần rũ rượi vì mưa ướt, vội lấy áo trùm kín cái bọc vé số. Chị cười rồi nói thà chị ướt chứ không để vé số ướt, bởi vé ướt rồi xem như không bán được, ngày đó lỗ nặng.
“Tôi bán vé số dạo gần 20 năm. Ngày lãnh 100 – 120 vé rồi đi bộ quanh các chợ gần nhà để bán. Nhiều khi khách không mua, nhưng tôi ráng năn nỉ họ mua giùm để có tiền cho con cái đi học, rồi mua đồ ăn cho đứa con gái lớn bị bệnh bại não. Mấy mối quen biết hoàn cảnh thắt ngặt của tôi nên họ thương lắm, cứ gặp là mua vé số ủng hộ cho tôi bán mau hết về nhà lo cho con. Ngày nào bán hết thì lời 100.000 – 120.000 đồng/ngày, ngày nào còn dư bao nhiêu vé là lỗ bấy nhiêu tiền lời”, chị Dương nói.
Anh Phan Hoàng Huy (51 tuổi, cha Phương Anh) cho hay anh làm công việc phụ hồ cũng hơn 20 năm. Lúc còn khỏe, hễ ai kêu làm, anh đi ngay. Có lúc không có chủ thầu kêu, anh cũng chạy xe tự đi tìm chỗ nào đang làm công trình hay xây nhà anh xin vô làm.
“Rồi cách đây 5 năm, tôi bị đau nhức hai chân, cứ tưởng nhức mỏi cơ bình thường nên có hốt thuốc bắc, thuốc nam về uống. Nhưng thời gian sau, hai chân tôi yếu dần đi không được. Đi bệnh viện, bác sĩ nói phần xương khớp háng đã bị hoại tử, buộc phải phẫu thuật mới có thể đi lại được. Hàng tháng trời ở bệnh viện trên TP.HCM điều trị. Đợt đó tốn gần 200 triệu đồng, vợ tôi phải vay mượn mới có tiền lo cho tôi”, anh Huy nhớ lại.
Không được làm nặng như trước, anh vẫn làm công việc phụ hồ với số tiền công được trả 250.000 đồng/ngày. Người ta thương tình nên cho anh làm phụ hồ với những việc nhẹ, xem như giúp đỡ hoàn cảnh nhà anh Huy.
Kim Anh (con gái lớn của anh chị Huy) năm nay đã 24 tuổi nhưng mắc bệnh bại não, cứ như một đứa trẻ, mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải có mẹ hỗ trợ.
Hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ xét cấp cho nền đất. Anh Huy quyết xây cho được một căn nhà đàng hoàng để 3 đứa con anh có nơi ở an toàn, thay vì căn nhà lá sát mé sông như trước, dù phải xây trong suốt 5 năm.
“Gạo, nước tương, mì gói… được nhà chùa cho. Bữa nào tôi bán hết vé số thì mua thêm cá, thịt cho các con có bữa ăn tươm tất để bù đắp những ngày ăn cơm trắng với chao và rau luộc”, chị Dương trầm giọng nói.
“Con sẽ kiếm tiền bằng tấm bằng đại học”
Đôi khi thắt ngặt lắm, cha mẹ cũng định cho Phương Anh nghỉ học để xin cho làm công nhân. Nhưng cô tân sinh viên muốn được học, kiếm tiền từ tấm bằng đại học, chứ không muốn luẩn quẩn trong nghèo khó vì thiếu kiến thức.
“Suốt năm học lớp 12, lúc nào tôi cũng nghĩ tới việc phải tập trung học thật giỏi để đậu đại học. Tôi coi tấm bằng cử nhân như “chiếc vé” thông hành giúp tôi tiến đến việc dùng tri thức để tạo ra của cải vật chất giúp cha mẹ và lo cho người chị không may của tôi. Tôi ráng hết sức mình”, Phương Anh tâm sự.
Cô Phạm Thị Hoa Đăng – giáo viên chủ nhiệm của Phương Anh – cho biết Phương Anh là học sinh chăm ngoan, học giỏi, lại rất lễ phép với thầy cô. Không bao giờ vì hoàn cảnh gia đình mà cô lơ là việc học hành. Ngược lại, Phương Anh chịu khó học tập để đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.
“Phương Anh là học trò ngoan của thầy cô, có được sự quý mến của bạn bè. Giờ đây, em đứng trước ngưỡng cửa đại học với khoản chi phí khá lớn. Rất mong có nhà hảo tâm hỗ trợ giúp em được tiếp sức đến trường”, cô Hoa Đăng bày tỏ.
Hiện Phương Anh là tân sinh viên ngành du lịch của Trường đại học Cần Thơ. Ngày cô làm thủ tục nhập học, mẹ Phương Anh phải đi vay mượn tiền cho con đóng học phí. Nợ càng thêm chồng chất khi trước đó khoản nợ 20 triệu đồng của gia đình vẫn chưa trả được.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.