Gần 5 năm sau khi COVID-19 bùng phát, cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể xác định chính xác nguồn gốc của dịch bệnh này.
Các ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, nhưng đã xảy ra nhiều tranh cãi gay gắt giữa hai giả thuyết chính.
Một giả thuyết cho rằng virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi nghiên cứu các loại virus tương tự. Giả thuyết còn lại cho rằng con người nhiễm COVID-19 từ động vật hoang dã bị nhiễm bệnh, được bán tại một khu chợ địa phương.
Theo Hãng tin AFP, giới khoa học đã nghiêng về giả thuyết thứ hai, nhưng tranh cãi vẫn tiếp tục.
Ngày 19-9, tạp chí Cell đăng tải nghiên cứu mới, trong đó thu thập hơn 800 mẫu tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi bán các loài động vật có vú hoang dã.
Các mẫu này được thu thập vào tháng 1-2020, sau khi khu chợ bị đóng cửa và không được lấy trực tiếp từ động vật hay con người, mà từ bề mặt các quầy hàng buôn bán động vật hoang dã, cũng như từ cống rãnh.
Theo đồng tác giả của nghiên cứu, bà Florence Debarre, nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), với loại dữ liệu này, “chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn rằng các loài động vật tại chợ có bị nhiễm virus hay không”. Tuy nhiên, “nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng vào cuối năm 2019, có sự xuất hiện của các loài động vật hoang dã tại chợ này, bao gồm loài lửng chó và cầy hương”.
“Và những loài động vật này được phát hiện ở góc phía tây nam của chợ, cũng là khu vực phát hiện rất nhiều virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19”, bà Debarre nói thêm.
Các loài động vật có vú nhỏ này có thể nhiễm các loại virus tương tự như con người, khiến chúng trở thành đối tượng tình nghi làm vật chủ trung gian truyền virus từ dơi sang người. Cho tới lúc này, virus SARS-CoV-2 được cho là bắt nguồn từ dơi.
Các nhà khoa học phát hiện nhiều đồ dùng trong các quầy hàng tại chợ Hoa Nam cho kết quả dương tính với virus gây bệnh COVID-19, bao gồm “xe đẩy động vật, lồng, xe rác và máy cạo lông”.
“Trong các mẫu này, có nhiều ADN của động vật hoang dã có vú hơn là ADN của con người”, Hãng tin AFP trích dẫn nghiên cứu.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng hoặc các loài động vật này đã phát tán virus SARS-CoV-2 lên các dụng cụ chăn nuôi, hoặc các ca nhiễm COVID-19 chưa được báo cáo ở người đã phát tán virus tại chính địa điểm có sự hiện diện của các loài động vật này”, nghiên cứu cho biết.
Vẫn chưa có biện pháp hạn chế buôn bán động vật hoang dã để ngăn dịch bệnh
James Wood, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cambridge (người không tham gia vào nghiên cứu), nhận xét rằng nghiên cứu này “cung cấp bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy các quầy bán động vật hoang dã tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán là tâm điểm cho sự bùng phát của đại dịch COVID-19”.
Ông James Wood cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu này quan trọng vì “gần như không có biện pháp nào được thực hiện để hạn chế việc buôn bán động vật hoang dã còn sống, hay để ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học và biến đổi sử dụng đất, vốn là những nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến sự bùng phát của các đại dịch trong quá khứ và tương lai”.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng các khía cạnh này vẫn chưa được đưa vào dự thảo hiệp ước phòng chống đại dịch mà các quốc gia hiện đang đàm phán.