Ngọn lửa Lý Tự Trọng

Các bạn trẻ tham quan hình ảnh, hiện vật liên quan cuộc đời, sự nghiệp anh hùng Lý Tự Trọng được trưng bày trong khu tưởng niệm – Ảnh: LÊ MINH

Hôm nay (20-10), kỷ niệm 110 năm ngày sinh người anh hùng trẻ tuổi ấy. Người ta nhắc về câu nói nổi tiếng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” để cùng gợi nhớ về lý tưởng sống, tinh thần bất diệt của ngọn lửa Lý Tự Trọng.

Lý Tự Trọng đã đi xa song tinh thần câu nói nổi tiếng anh để lại vẫn luôn là lý tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay giữ gìn, phát huy trong sự nghiệp dựng xây đất nước.

Học sinh NGUYỄN THỊ KIM LIÊN (Hà Tĩnh)

Ý chí cách mạng kiên cường

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng. Anh sinh ra tại Bản Mạy, xã Nong Yat, tỉnh Nakhon Phanon (Thái Lan). 11 tuổi, anh được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và vào nhóm thiếu niên cộng sản đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo.

15 tuổi, Lý Tự Trọng được đưa về Sài Gòn – Chợ Lớn hoạt động với nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng thời anh còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác là vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản.

Năm 1931, trong một tình huống khẩn cấp để bảo vệ cán bộ cách mạng đang thuyết trình, vận động quần chúng, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên mật thám người Pháp. Anh bị bắt. Mặc cho những đòn tra tấn tàn bạo, Lý Tự Trọng vẫn không khai nửa lời. Không thể khuất phục người đoàn viên cộng sản trẻ tuổi, thực dân Pháp xử chém Lý Tự Trọng. Đó là ngày 21-11-1931.

Cuộc đời hoạt động cách mạng kết thúc khi anh mới 17 tuổi, tuy ngắn ngủi nhưng đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam.

Tấm gương cho thế hệ trẻ

Những ngày này, Khu lưu niệm Lý Tự Trọng tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đón cả trăm lượt khách mỗi ngày. Hòa trong dòng người tìm về khu tưởng niệm người anh hùng trẻ tuổi, bạn Trần Thảo Vi (lớp 11 Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà) kể mình đã học và đọc nhiều về cuộc đời, sự nghiệp song khi đến khu tưởng niệm, tận mắt xem những hình ảnh, tư liệu lịch sử giá trị được trưng bày càng cảm nhận rõ hơn con đường cách mạng kiên cường của anh Lý Tự Trọng.

Theo Thảo Vi, những phẩm chất cao quý ấy trở thành tấm gương quý giá cho tuổi trẻ Việt Nam mọi thời. Nhất là trong bối cảnh hòa bình hôm nay, bài học về lòng kiên định, sắt son lựa chọn lý tưởng sống càng quan trọng với mỗi bạn trẻ. Điều ấy dẫn dắt mỗi người học tập, rèn luyện để mai này trở thành công dân hữu ích, góp phần xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh.

Như bạn mình, người bạn cùng trường Nguyễn Thị Kim Liên nói không khỏi bồi hồi xúc động khi đọc những dòng tư liệu, xem hình ảnh về anh, càng khâm phục lòng dũng cảm, sự kiên định với lý tưởng cách mạng dù khi ấy anh còn rất trẻ. Liên nói mình rất tự hào khi học tại ngôi trường mang tên anh.

“Kỷ niệm 110 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng, trường mình có nhiều chương trình, phim ngắn, infographic, đồ họa và cả các buổi sinh hoạt kết hợp trình chiếu tư liệu về anh Lý Tự Trọng. Điều ấy làm cho tấm gương và bài học anh để lại càng gần gũi với tụi mình hơn” – Thảo Vi kể.

Ông Đặng Quốc Vũ – phụ trách ban quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng – cho biết số khách tìm về khu tưởng niệm tăng dần theo từng năm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, khu tưởng niệm đã đón 355 đoàn với gần 15.000 lượt khách.

“Chúng tôi cảm nhận được sự xúc động, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc của du khách khi đến đây. Đó cũng là động lực để cán bộ nhân viên tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của khu tưởng niệm, phục vụ khách tham quan tốt hơn” – ông Vũ nói.

Sau 80 năm về yên nghỉ nơi đất mẹ

30 năm sau ngày anh hùng Lý Tự Trọng hy sinh, di cốt của anh đã được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) vào năm 2011. Lễ truy điệu liệt sĩ Lý Tự Trọng được tổ chức tại TP.HCM ngày 30-4-2011.

Sau đó đưa di hài anh về Hà Tĩnh và được Trung ương Đoàn cùng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ truy điệu, an táng ngày 4-5. Như vậy, sau 80 năm bị xử chém, anh Lý Tự Trọng đã được về yên nghỉ nơi đất mẹ.

Khu tưởng niệm được khởi công ngay tại quê hương xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà của anh Lý Tự Trọng năm 2011 và hoàn thành năm 2014. Trên diện tích 4,39ha có nhà tưởng niệm, nhà văn hóa, quảng trường và xung quanh phần mộ được trồng 17 cụm bông trang bốn mùa nở đỏ thắm tượng trưng cho tuổi đời của anh lúc hy sinh.

Hành trình theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng

Hành trình “Theo bước chân anh hùng Lý Tự Trọng” được Thành Đoàn TP.HCM tổ chức từ ngày 19 đến 21-10 tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An dịp kỷ niệm đặc biệt này. Các bạn sẽ đến với các địa chỉ đỏ, tham gia hoạt động an sinh xã hội tại một số nơi ở hai tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, Thành Đoàn TP.HCM tặng bốn tivi cho Trường tiểu học Lý Tự Trọng, Nhà thiếu nhi tỉnh, ban quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng và Trường trung cấp nghề Lý Tự Trọng.

Cùng tham gia các hoạt động với Trung ương Đoàn, Thành Đoàn TP.HCM đã khởi công ngôi nhà nhân ái (70 triệu đồng) tặng một hộ dân khó khăn. Ngoài ra còn có 30 học bổng (1 triệu đồng/suất) cho học sinh khó khăn cùng 30 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho cán bộ Đoàn – Hội khó khăn tại Hà Tĩnh.

Ngọn lửa Lý Tự Trọng - Ảnh 2.

Khởi công xây tặng nhà nhân ái cho một hộ dân khó khăn tại tỉnh Hà Tĩnh – Ảnh: ĐĂNG KHOA

Trong sáng 19-10, đoàn đã đến thắp hương tại nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Bạch Cát ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An). Bà nguyên là quận ủy viên, bí thư quận đoàn, bí thư chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 – 4 (nay là quận 1, TP.HCM).

Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát hy sinh trong trận đánh ngày 5-5-1968 tại mặt trận Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang, vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20-9-2024.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *