Thông tin từ UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa thông tin có 8/15 mẫu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang gửi có kết quả âm tính.
Trước đó, ngày 7-7, CDC tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa lấy mẫu 8 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1).
Trong đó, lực lượng chức năng lấy mẫu lần 2 đối với nữ sinh M.T.S. (một trong hai người chung phòng với nạn nhân tử vong do bệnh bạch hầu) và lấy mẫu lần 1 với các F1 khác.
Chiều 8-7, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 7 F1 khác để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm (chưa có kết quả).
Trước đó, huyện Hiệp Hòa ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bạch hầu là M.T.B., 18 tuổi, quê huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, tạm trú trên địa bàn chung phòng với nạn nhân P.T.C. đã tử vong.
Người này đã được chuyển ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) để điều trị.
Trước đó, ngày 1-7, hai nữ sinh M.T.S. và M.T.B. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn đến huyện Hiệp Hòa và làm việc tại quán karaoke có tên Quán Lá.
Từ ngày 2 đến 5-7, hai cô gái này đến 4 quán karaoke tại các xã Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Thời gian có mặt từ 19h30 đến 23h.
Khi biết bạn cùng phòng tử vong do mắc bạch hầu, lại có biểu hiện đau họng, hai cô gái này chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống.
Bệnh bạch hầu lây nhiễm thế nào?
Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh – khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội), nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.
Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt…
Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Vắc xin bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỉ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung.
Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin (bạch hầu – ho gà – uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.