Người mẹ Quảng Trị đi xe lăn khắp xóm mượn tiền cho con học ĐH Huế

Vào Huế được ba ngày, Tình Thương đã xin được việc làm thêm tại một tiệm tạp hóa để trang trải việc học – Ảnh: BẢO PHÚ

Con gái xin mẹ vay tiền nhập học rồi sẽ kiếm việc làm thêm tự lo. Bà Nguyễn Thị Thùy (mẹ Thương) không chắc có ai cho mượn nhưng vẫn cố lết xe lăn đi khắp xóm. Hết buổi chiều, chòm xóm thương tình cho vay hơn 10 triệu giúp “con bé Thương lận lưng vào Huế nhập học”.

Tui khiếm khuyết cơ thể, gia cảnh khó nghèo và không biết chữ đã thiệt thòi đủ đường nên giờ không thể để con thất học rồi chịu khổ như mẹ được.

Bà NGUYỄN THỊ THÙY (mẹ của Thương)

Nhập học xong tức tốc đi tìm việc làm thêm

Thương đã rời nhà ở thôn Hậu Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) vào Huế. Ngôi nhà nằm sâu trong góc đồi chỉ còn mình bà Thùy. Nói là nhà chứ cũng chỉ đủ kê chiếc giường cùng cái tủ lưới để bà bán vài gói dầu gội, mấy lon nước ngọt, bao thuốc lá cho người trong xóm.

Tấm bảng nhà tình nghĩa được dùng vá lỗ trống trên mảng tường gần trên nóc tránh nắng rọi vào. Mái tôn xi măng le lói những khoảng sáng vì thủng. Căn bếp nối liền phòng tắm, che tạm bằng tấm vạt giường cũ cùng vài tấm bìa các tông.

Cô gái hiểu rõ gia cảnh hơn ai hết nên vừa nhận kết quả trúng tuyển đã lên mạng tìm cách liên lạc với những hàng quán gần trường học. Tuy nhiên chỗ nào cũng lắc đầu vì Thương chỉ xin làm bán thời gian. 10 triệu mẹ mượn được, Thương đã nộp học phí và vài khoản hơn 9 triệu, chỉ còn trong túi chưa đến triệu đồng.

Gia đình hộ nghèo nên Thương được xét vào ở ký túc xá. Ngày thứ hai ở Huế, cô gái tức tốc tìm việc làm. Không có xe, bạn chỉ đi bộ mấy chỗ quanh trường, gặp hàng quán nào cũng ghé vào hỏi. Đi từ sáng đến chiều rã đôi chân Thương cũng tìm được tiệm tạp hóa cần người.

Cô gái xin nhận việc ngay ngày thứ ba đến Huế. Chủ quán cho cô sinh viên nghèo làm theo giờ tùy lịch học. Mỗi giờ làm việc, Thương được trả 14.000 đồng. “Mình khổ quen rồi, thêm xí nữa cũng không sợ. Làm một việc không đủ mình sẽ tìm thêm việc qua mạng hay có thể làm tại nhà lúc sớm hoặc khuya. Chỉ thương mẹ một mình ở nhà, lỡ ốm đau lấy ai lo” – Thương lo lắng.

Tương lai của con cũng là hy vọng của mẹ

Ông bà ngoại cho miếng đất nhỏ trong vườn dựng tạm cái lều để hai mẹ con ở riêng. Có đơn vị biết hoàn cảnh hai mẹ con Thương đã xây tặng căn nhà tình nghĩa. Dù chỉ chừng 30m2 nhưng đủ cho hai mẹ con trú tránh mưa nắng. Chiếc tủ lưới cũng được một người thân đóng tặng để buôn bán kiếm tiền mẹ con đắp đổi qua ngày.

Khó và khổ thế nhưng bù lại “con bé Thương rất ham học và học giỏi”, là niềm tự hào của người mẹ tật nguyền. Thương kể hồi học xong lớp 11, đường học chông chênh tưởng chừng phải chấm dứt. Lúc đó có ngày tủ tạp hóa của mẹ không một ai lui tới. Khoản tiền trợ cấp hơn triệu đồng cho người khuyết tật mỗi tháng chỉ đủ để hai mẹ con rau cháo qua ngày.

Người mẹ đã nghĩ cho con nghỉ học đi làm nhưng con gái nằng nặc muốn đi học nên suy nghĩ ấy cũng qua nhanh. Vậy là hè năm đó, Thương một mình ra thị trấn Hải Lăng xin phụ việc ở quán cà phê. Chủ một quán ven hồ ở thị trấn nghe hoàn cảnh của Thương đã đồng ý nhận cô học trò phụ bưng bê dọn dẹp. Nhờ khoản tiền vài triệu đồng cho mấy tháng hè làm thêm ấy tiếp sức mà cô học trò nghèo không phải đứt gánh việc học.

Dường như đến đường cùng ấy càng khiến Thương quyết tâm phải học nhiều hơn. Sự nỗ lực được tưởng thưởng xứng đáng với suất học bổng định kỳ dành cho học sinh nghèo vượt khó. Cũng chính suất học bổng đã giúp Thương có thêm chiếc bàn học và mẹ cũng mua được ti vi cũ người ta bán rẻ 200.000 đồng.

Thậm chí hồi cuối năm lớp 12, may nhờ có phần học bổng này mà hai mẹ con vượt qua những ngày khốn khó nhất khi gạo trong nhà không còn một hột. Thầy Trương Hồng Minh – giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp III của Thương – nói chưa thấy học trò nào có nghị lực lớn như Thương. Dẫu hoàn cảnh quá bi đát nhưng bạn ấy đã vượt lên tất cả, quyết tâm học.

“Nếu không mang nghị lực lớn có lẽ Thương không thể nào đủ sức hoàn thành việc học những năm qua nên tôi có niềm tin với nghị lực ấy, cô trò nhỏ sẽ càng trưởng thành hơn từng ngày” – thầy Minh nói.

Cô bé được sinh ra đời trong hoàn cảnh éo le

Thương ra đời cũng là câu chuyện éo le. Chân tay bà Thùy co quắp từ khi mới chào đời nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Lo con về già không có nơi nương tựa, mẹ bà Thùy nói con tìm cách kiếm đứa con rồi có chi mẹ phụ ôm cho vì biết con gái không cầm được thứ gì nặng quá.

Tình Thương đã có mặt trên đời theo cách không đầu không cuối như thế. Nhưng con gái chưa một lần hỏi mẹ mình đã xuất hiện thế nào, cũng chưa bao giờ than trách số phận. Thương mẹ, con gái lấy cái khó làm động lực để tự dặn phải vượt qua những éo le đời mình.

101 học bổng cho tân sinh viên Quảng Trị

Hôm nay (28-9), báo Tuổi Trẻ cùng Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 101 tân sinh viên khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí chương trình gần 2 tỉ đồng do Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” và Công ty cổ phần Bình Điền – Quảng Trị tài trợ.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó hai suất đặc biệt 50 triệu đồng/suốt bốn năm. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập. Đây là năm thứ 22 chương trình Tiếp sức đến trường đồng hành cùng tân sinh viên Quảng Trị vượt khó.

Có khó mấy cũng không bỏ cuộc - Ảnh 2.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *