Tôi sinh con ra ở Việt Nam nhưng có cha là người nước ngoài thì đăng ký khai sinh ở đâu? Đăng ký khai sinh cho con nhưng không có giấy chứng sinh và không có người làm chứng thì phải làm sao?
Bà Thái Hoàng Mi, tỉnh Kon Tum, hỏi.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) trả lời về việc làm giấy khai sinh cho trẻ có cha là người nước ngoài như sau:
Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thẩm quyền đăng ký hộ tịch:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 điều này:
a) Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại khoản 1 điều 3 của luật này có yếu tố nước ngoài;
b) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;
c) Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 3 điều 3 của luật này.
3. Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại điều 3 của luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
4. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử quy định tại điểm d khoản 1 điều này”.
Như vậy, UBND cấp huyện đăng ký hộ tịch trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con khi có yếu tố nước ngoài.
Do đó con của bà sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha là người nước ngoài thì đăng ký khai sinh cho con tại UBND cấp huyện nơi bà cư trú.
Đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì thực hiện tại UBND cấp xã (với điều kiện là 2 xã phải tiếp giáp với nhau).
Mặt khác, theo khoản 1 điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thủ tục đăng ký khai sinh:
“Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Như vậy, trường hợp bà đi đăng ký khai sinh nhưng không có giấy chứng sinh, không có người làm chứng xác nhận về việc sinh thì phải có giấy cam đoan về việc sinh và bà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc cam đoan này.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected]