Tôi cũng chỉ gật gù nghe, tay gắp thức ăn cho vợ, đầu thì đang nghĩ: Liệu đàn ông gia trưởng đến mức nào để có thể khiến người khác ủng hộ vợ anh ấy ly hôn?
Tôi bèn quay sang hỏi vợ: “Vậy em thấy anh có gia trưởng không?”. Cô ấy cũng im lặng ăn vài miếng rồi mới ngẩng lên nói: “Anh… đỡ lắm”.
Câu hỏi thứ hai hiện lên ngay lúc đó: Vậy gia trưởng có phải là thuộc tính của hầu hết đàn ông? Và câu hỏi thứ ba là: Vậy phụ nữ có gia trưởng không?
Gia trưởng có khi… hấp dẫn
Tôi có một bạn nữ cũng giỏi, trẻ, xinh, thu nhập rất cao, bạn ấy lại đang yêu một người đàn ông cực kỳ gia trưởng và bảo thủ. Bản thân bạn cũng rõ ràng về chính mình, về người kia và những điểm mạnh, yếu của hai bên. Tuy nhiên bạn ấy vẫn chấp nhận ở bên người kia vì người kia có nhiều điểm khiến bạn khâm phục. Và cũng vì vậy mà đôi lúc người kia thể hiện sự bảo thủ, gia trưởng ra với bạn thì bạn lại còn thấy hấp dẫn nữa.
Một lý do mà nhiều người vẫn chấp nhận hay cam chịu tính gia trưởng độc hại là vì người kia có điểm tốt. Có thể là giỏi, giàu, đẹp trai, ăn nói hay… và nhiều khi, cay đắng hơn, là vì lỡ cưới, lỡ có con rồi thì phải chịu.
Những trường hợp “lỡ rồi phải chịu” thì tôi cũng không khuyên họ ly hôn đâu. Chỉ mong người kia sớm tỉnh ngộ, trân trọng người đang thương yêu, chấp nhận và chịu đựng mình để khôi phục lại hạnh phúc gia đình.
Gia trưởng như thuốc, quá liều thành thuốc độc
Tôi từng theo học một lớp chiêm tinh. Khi học về bốn nguyên tố đất – nước – khí – lửa, thầy tôi đã nhắc rằng trên đời và bên trong con người cũng vậy, không có yếu tố nào là tốt hay xấu. Điều làm nên tốt hay xấu là ở liều lượng.
Tôi nghĩ gia trưởng là yếu tố có sẵn trong tâm tính mỗi con người, chỉ là “liều lượng” khác nhau, và quan trọng là người đó có được dịp để “thả” tính gia trưởng của mình ra hay không.
Gia trưởng, ở một liều lượng thích hợp, là cần thiết cho gia đình và thậm chí là hấp dẫn với người khác giới.
Nếu mọi người cứ nhún nhường, khiêm tốn hay thậm chí là nhu nhược, thiếu quyết đoán thì ai sẽ là người đưa ra quyết định các vấn đề trong gia đình?
Người nào quyết định thì người đó chịu trách nhiệm chính. Trách nhiệm càng lớn thì quyền lợi càng lớn. Từ đó dễ dẫn đến tự cho mình đúng, dẫn đến bảo thủ và gia trưởng lúc này dần trở nên độc hại.
Những người phụ nữ có năng lực, sáng suốt, quyết đoán cũng có thể trở nên “gia trưởng” trong nhiều tình huống, thậm chí là trong gia đình riêng của cô ấy. Hình tượng “nữ cường nhân” này cũng có thể xem là một mặt hấp dẫn của phụ nữ.
Và một lần nữa: cái gì quá cũng đều không tốt.
Chị P. trong câu chuyện của vợ tôi là một nữ doanh nhân xinh đẹp và thành công. Chị dành nhiều thời gian, tâm trí cho công việc và thật khó để chị dùng phần tâm trí còn lại của mình phục vụ một người chồng gia trưởng, dù anh ấy cũng không kém là bao.
Người phụ nữ mạnh mẽ nhất cũng cần chỗ dựa, chỉ là họ không dựa vào người yếu hơn mình.
Đó có lẽ là lý do vì sao thường có đàn ông gia trưởng hơn là phụ nữ. Chắc chẳng có mấy người phụ nữ muốn được làm “chỉ huy” trong gia đình?!
Mặc dù cần thiết và đôi khi hấp dẫn như vậy, gia trưởng vẫn luôn là chất độc, hoặc ít nhất là “gia vị đậm” trong mọi mối quan hệ.
Gia trưởng hợp lý là khi một người đứng ra quyết định những vấn đề trong gia đình dựa trên lợi ích của tất cả mọi người, hoặc cho người khác nhiều hơn bản thân mình, hoặc trong những trường hợp cần có một người nói lên quyết định cuối cùng khi có nhiều ý kiến.
Nếu để gia trưởng là hệ quả của tính bảo thủ, ích kỷ, và thể hiện ra thành sự ghen tuông, kiểm soát hay bạo lực gia đình thì sẽ rất nguy hiểm cho hạnh phúc của gia đình đó.
Tôi thấy trên mạng có mấy clip hài, kiểu anh con trai nói: Anh không cho phép em ở nhà, cầm ngay 50 triệu này đi mua sắm cho anh. Sao em dám lau nhà? Đó là việc của anh, biết chưa? Gia trưởng kiểu này chắc cô nào cũng thích.
Tóm lại, trong mọi mối quan hệ, dù là giới nào đi nữa, chỉ cần trước xét lại mình, sau nghĩ cho người thì mối quan hệ đó có thêm chút “gia trưởng” cũng chỉ càng vui vẻ.
Nếu chưa nghĩ được cho người, xin đừng gia trưởng.