‘Nhà leo núi’ Phú Yên chuẩn bị gì cho chung kết Đường lên đỉnh Olympia?

“Nhà leo núi” Trần Trung Kiên mang theo những đồ vật may mắn trong chặng đua sắp tới – Ảnh: MINH CHIẾN

So với 3 “nhà leo núi” còn lại của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm nay, Trần Trung Kiên là “tay đua” gây chú ý khi chỉ là học sinh trường huyện, nhưng lại là học sinh đầu tiên ở Phú Yên vào đến trận chung kết của cuộc thi tài hấp dẫn dành cho học sinh cả nước này.

Linh vật may mắn trong hành trình leo núi

'Nhà leo núi' Phú Yên chuẩn bị gì cho chung kết Đường lên đỉnh Olympia? - Ảnh 2.

Trường THPT Lê Hồng Phong động viên, chúc Kiên thành công tại vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia – Ảnh: THPT Lê Hồng Phong

Trần Trung Kiên là thí sinh khá đặc biệt khi có mặt tại trận chung kết quý 1 nhờ có số điểm nhì cao nhất ở vòng thi tuần và tháng. So với các đối thủ, bạn là thí sinh duy nhất chưa giành vòng nguyệt quế.

Chung cuộc, Kiên giành chiến thắng với 235 điểm, mang cầu truyền hình lần đầu tiên về cho Phú Yên và cho ngôi trường mình đang theo học.

Những ngày này, Kiên dốc sức ôn luyện chuẩn bị cho cuộc thi chung kết. Dự kiến ngày 10-10, Kiên cùng với gia đình, thầy chủ nhiệm lớp và ban giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ ra Hà Nội để tham dự trận chung kết vào ngày 13-10.

“Nhà trường thành lập hội đồng cố vấn để ôn tập cho mình. Ngoài trang bị kiến thức, mình cũng chuẩn bị tâm lý thoải mái “chiến đấu” hết mình để đáp lại sự kỳ vọng, ủng hộ, giúp đỡ của người thân, thầy cô, bạn bè và cả người dân Phú Yên” – Kiên thổ lộ.

'Nhà leo núi' Phú Yên chuẩn bị gì cho chung kết Đường lên đỉnh Olympia? - Ảnh 3.

Căn nhà của Kiên là một tiệm tạp hóa nhỏ sát chợ xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Rất nhiều bằng khen, giấy khen, chiếc vòng nguyệt quế – biểu tượng chiến thắng của nhà leo núi Đường lên đỉnh Olympia – được Kiên sắp xếp trang trọng trong tủ kính – Ảnh: MINH CHIẾN

Đến với chặng đua cuối, ngoài chuẩn bị kiến thức, Kiên còn mang theo những linh vật may mắn như những chú gấu bông bạn tặng, hay hộp bút gỗ được khắc chữ mà chị gái biếu em. 

Kiên tiết lộ đây là những món đồ may mắn giúp bạn giành chiến thắng trong các chặng đua trước.

“Gần đến ngày thi, cảm xúc của mình là khá hồi hộp nhưng cũng rất vui. Sau giờ ôn tập, mình thường dành thời gian để đá bóng thư giãn, tìm hiểu thêm kiến thức xã hội cũng như vạch rõ chiến thuật thi đấu vòng chung kết”, Kiên nói.

Bà Trần Thị Bích Loan (48 tuổi, mẹ Kiên) cho hay gia đình luôn là hậu phương, chỗ dựa cho bạn trong vòng chung kết.

“Mỗi lần Kiên thi, gia đình chúng tôi đều đi theo chăm sóc, ủng hộ con. Mọi quyết định, nỗ lực của con chúng tôi đều tôn trọng và ủng hộ. Các bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận mà Kiên được khen tặng hay đạt được từ bé đều được chúng tôi giữ lại đặt trong tủ kính như một sự tự hào”, bà Loan nói.

Xác định “điểm rơi phong độ”

'Nhà leo núi' Phú Yên chuẩn bị gì cho chung kết Đường lên đỉnh Olympia? - Ảnh 5.

Quảng trường Tháp Nghinh Phong, nơi tổ chức điểm cầu trực tiếp tại tỉnh Phú Yên – Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Thầy Châu Văn Tốc, chủ nhiệm lớp của Kiên ở Trường THPT Lê Hồng Phong, cho hay ngoài việc xuất sắc đi đến trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia, Trần Trung Kiên còn đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương Đoàn.

Theo thầy chủ nhiệm, các thầy cô của trường cũng đã hỗ trợ, ôn tập kiến thức cho Kiên, nhưng kết quả có được chủ yếu là từ việc Kiên tự học, tự nghiên cứu.

“Tôi hy vọng Kiên xác định được “điểm rơi phong độ”, có nghĩa là phong độ mỗi người có lúc lên cao, có lúc xuống thấp… nhưng em phải canh làm sao cho đến ngày thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia, điểm rơi này phải ở đỉnh cao nhất. Kiên phải trong trạng thái tốt nhất và phải hội tụ đủ ba yếu tố, bao gồm sức khỏe, tâm lý và năng lực. Nhà trường và tỉnh nhà rất kỳ vọng và tự hào về em”, thầy Tốc chia sẻ.

Theo cô Trần Thị Lệ Thủy – hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, ngày 13-10 điểm cầu truyền hình tại tỉnh Phú Yên sẽ được tổ chức tại quảng trường Tháp Nghinh Phong (TP Tuy Hòa). Trường đã sắp xếp các xe đưa đón 1.470 học sinh đến đây để cổ vũ tinh thần cho Kiên.

Ngoài ra trường cũng chuẩn bị các tiết mục văn nghệ lấy cảm hứng từ bài chòi, lồng ghép những địa danh của tỉnh Phú Yên… Hiện tại công tác chuẩn bị đã gần như sẵn sàng.

“Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện như mở cửa thư viện xuyên suốt để Kiên đến đọc sách để có thêm kiến thức, cập nhật các vấn đề thời sự, xã hội. Mới đây trường cũng làm lễ tiễn em, các thầy cô và phụ huynh lên đường tham dự Đường lên đỉnh Olympia như một lời động viên và chúc may mắn đến em”, cô Thủy nói.

Điểm cầu Phú Yên được tổ chức tại quảng trường Nghinh Phong

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên có công văn gửi các đơn vị về việc phối hợp sản xuất cầu truyền hình trực tiếp chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 tại tỉnh Phú Yên.

Thời gian diễn ra cầu truyền hình trực tiếp từ 8h30 ngày 13-10 tại quảng trường Tháp Nghinh Phong, sân khấu với hệ thống âm thanh, màn hình LED cũng được lắp đặt tại đây.

Ngoài lãnh đạo tỉnh, sở ngành, còn có gần 5.000 học sinh THPT đến từ các trường ở Phú Yên tham dự.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *