Những tưởng bài đăng này sẽ nhận được sự tán thưởng, không ngờ nhiều người đã vào bình luận bày tỏ sự bất bình trước văn hóa làm việc độc hại, xem thường sức khỏe của con người tại công ty này.
Làm việc 18 giờ, thậm chí không uống nước
Tushar S, giám đốc điều hành của Vaani Research Labs, một công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Bengaluru, đã tiết lộ lịch trình hàng ngày cực kỳ căng thẳng của người đồng sáng lập Abhinash Khare.
Bài viết trên trang LinkedIn của Tushar vạch trần thực tế khắc nghiệt của những người khởi nghiệp, đồng thời khơi dậy cuộc thảo luận về việc liệu sự cống hiến này có tạo ra một văn hóa làm việc độc hại hay không.
Trong bài đăng trên LinkedIn, Tushar S mô tả những ngày làm việc không ngừng kéo dài 18 giờ mà Abhinash đã duy trì trong bảy tháng qua, khi cả hai theo đuổi tầm nhìn phát triển các hệ thống AI có giọng nói giống con người. Những nỗ lực của Abhinash được Tushar giải thích là để “tối ưu hóa hiệu quả”.
“Đã gần bảy tháng liên tục lập trình đến 2h sáng, thức dậy lúc 8h sáng và tiếp tục quay lại nghiên cứu và lập trình,” Tushar chia sẻ trong bài đăng trên LinkedIn hiện đã bị xóa.
“Giường của Abhinash chỉ cách máy tính khoảng một mét. Không uống nước, không có thói quen buổi sáng – anh ấy thức dậy trước màn hình máy tính và bắt tay ngay vào công việc để xây dựng cơ sở hạ tầng AI cho công ty khởi nghiệp của chúng tôi”, Tushar nói.
Dù thừa nhận rằng không có ý “tôn vinh sự cố gắng quá mức”, Tushar nhấn mạnh rằng cuộc sống khởi nghiệp, đặc biệt là khi không có nguồn lực hoặc tài trợ từ bên ngoài, đòi hỏi một người phải đẩy mức giới hạn của mình lên.
“Xây dựng một công ty khởi nghiệp rất khó. Xây dựng một công ty khởi nghiệp mà không có bất kỳ nguồn lực hoặc tài trợ nào càng khó hơn. Xây dựng một công ty khởi nghiệp bằng cách từ bỏ một công việc lương cao (và tôi muốn nói là CỰC KỲ cao) mà không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Đó là cấp độ khó hơn nữa”, anh viết.
Nhận gạch đá vì cổ vũ văn hóa làm việc độc hại
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích thú với những chia sẻ này. Bài đăng của Tushar, được coi là một lời tri ân cho những nỗ lực không ngừng của Abhinash, đã thu hút cả sự ngưỡng mộ và chỉ trích gay gắt, đặt ra câu hỏi về việc tôn vinh thói quen làm việc không lành mạnh trong ngành công nghệ đang bùng nổ của Ấn Độ.
Nhiều người dùng cáo buộc anh đang cổ vũ cho văn hóa làm việc độc hại, gây áp lực không đáng có lên nhân viên.
“Kiểu làm việc đến kiệt sức này là một ‘văn hóa làm việc độc hại’ và tôi không thấy bất kỳ lý do gì để ca ngợi công khai. Tôi hoàn toàn hiểu việc khởi nghiệp khó khăn thế nào, nhưng đồng thời, quan trọng là phải tập trung vào tăng trưởng bền vững và tự nhiên hơn là lao mình vào sự kiệt quệ”, một người dùng cho biết.
Một người dùng khác nói thêm: “Đây là cách mới để ca ngợi văn hóa độc hại. Một tâm trí và cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ có thể tạo ra điều kỳ diệu. Là một đồng sáng lập, bạn nên cố gắng giảm bớt khối lượng công việc cho anh ấy, ngay cả khi anh ấy muốn làm điều đó! Hãy nghĩ dài”.
Đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng, Tushar đã xóa bài đăng, thừa nhận rằng có thể đã gửi đi thông điệp sai lầm. Anh giải thích rằng mặc dù anh không có ý định cổ vũ cho một tinh thần làm việc không bền vững, thực tế là việc điều hành một công ty khởi nghiệp với nguồn lực tối thiểu khiến họ có ít lựa chọn.
“Hầu hết các bạn đều lo ngại về sức khỏe và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước những phản hồi này. Không ai muốn làm việc cật lực suốt nhiều tháng, nhưng đôi khi ta không có lựa chọn nào khác và không có nguồn lực”, Tushar giải thích trong một bài đăng sau đó.
Bài đăng này đã thổi bùng cuộc thảo luận đang diễn ra về văn hóa làm việc trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ, nơi những giờ làm việc dài, nguồn lực hạn chế và áp lực lớn thường làm mờ ranh giới giữa sự cống hiến và kiệt sức.