Chỉ riêng tuần qua (30-9 đến 6-10), bệnh sởi tăng 60%, tay chân miệng tăng 23,4%, sốt xuất huyết tăng 19,3% so với trung bình 1 tháng trước đó.
Trẻ nhập viện điều trị do lây lan khi đi học
Ghi nhận tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ngày 9-10, các bác sĩ tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ mắc các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi nặng phải nhập viện.
Theo thống kê của bệnh viện, trong các tháng trẻ quay lại trường 8 và 9, bệnh viện tiếp nhận từ 700 – 800 ca tay chân miệng, trong đó trẻ nhập viện từ 5 – 6%.
Chị N.T. (Bình Phước) cho biết gia đình có hai bé gồm 3 tuổi và bé 1 tuổi. Sau khi gửi bé gái 3 tuổi đến nhà trẻ được vài tuần thì trẻ bắt đầu có các dấu hiệu nổi ban trên người, sốt.
Tiếp đến, bé thứ hai 1 tuổi sống cùng nhà mặc dù chưa đi học nhưng cũng có các dấu hiệu tương tự nhưng nặng hơn.
“Con tôi bắt đầu nổi ban trên người cũng chưa biết bệnh gì. Vài ngày sau xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật nên gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh để thăm khám.
Tuy nhiên tình trạng co giật vẫn không hết, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. May mắn đến nay bé vẫn còn sốt nhưng đã hết co giật, nhẹ hơn”, chị T. cho hay.
Cũng theo chị T., trong lớp bé lớn đi học rất nhiều bạn học cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự, do vậy có thể nguy cơ lây lan trong lớp học là nhiều.
Tương tự, chị H.K. (40 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho biết con nhỏ xuất hiện các triệu chứng phát ban trên người, gãi ngứa, quấy khóc nhưng chỉ nghĩ trẻ bị bệnh ngoài da nên chưa đưa đi khám.
Khoảng 4 ngày sau, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục không hạ, đến bệnh viện kiểm tra thì trẻ đã nặng phải nhập viện điều trị.
“May mắn bé đã đỡ, thấy phát ban nhưng gia đình không biết con bị tay chân miệng”, chị K. cho hay.
Phụ huynh đừng lơ là
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trong năm sẽ có hai thời điểm đỉnh dịch của tay chân miệng bao gồm tháng 4, 5 và tháng 9, 10.
Do đặc trưng của bệnh tay chân miệng có diễn tiến nhanh nên phụ huynh cần phải cảnh giác. Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho y bác sĩ.
Ngoài ra, sởi có tốc độ lây lan nhanh, dễ có biến chứng nặng như viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, thậm chí nguy cơ tử vong.
Bà Lê Hồng Nga – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho hay các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP đang tăng theo mùa gây bệnh.
Có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm ở trẻ bắt đầu tăng, trong đó có việc trẻ quay lại trường học, thời tiết chuyển mùa. Phụ huynh cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo thêm mùa trẻ tựu trường phụ huynh đặc biệt chú ý khi trẻ tập trung ở những nơi đông đúc phải phòng ngừa bệnh cho trẻ vì sẽ tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Với bệnh tay chân miệng, phụ huynh lưu ý phòng ngừa ăn sạch, uống sạch, chơi sạch, nhất là vệ sinh tay cho trẻ. Cả bản thân người lớn chăm sóc trẻ cũng phải lưu ý đồ chơi, vật dụng của trẻ phải vệ sinh thường xuyên.
Cẩn trọng bệnh hô hấp, ngành y tế khuyến cáo người dân, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp: đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học. Tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ. Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt. Tiêm chủng đầy đủ.
Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin sởi để tạo miễn dịch nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Đồng thời tiêm vắc xin sởi góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ trẻ.
Hai dấu hiệu nhận biết sớm bệnh sốt xuất huyết
Chẩn đoán sớm sốt xuất huyết rất quan trọng vì sẽ giúp các bé được điều trị kịp thời, giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng như sốc, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Hai dấu hiệu để nhận biết sốt xuất huyết là triệu chứng bệnh và xét nghiệm nhanh.
Thứ nhất về triệu chứng bệnh, tất cả các trường hợp sốt xuất huyết đều khởi đầu bằng triệu chứng sốt cao, không có sốt thì không phải bệnh sốt xuất huyết. Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, dù có uống thuốc hay lau mát thì sốt chỉ giảm vài tiếng đồng hồ rồi lại sốt tiếp. Trong mùa mưa này, nếu bà con thấy sốt liên tục 48 giờ thì nên nghi ngờ bé mắc bệnh sốt xuất huyết và nên đi khám ngay.
Trong trường hợp sau khi sốt 2 ngày, bà con có thể nhận biết sốt xuất huyết bằng việc thực hiện “nghiệm pháp dây thắt” là một kỹ thuật y tế đơn giản nhưng hữu ích trong việc đánh giá tình trạng thành mạch, đặc biệt là khi nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Bà con lấy máy đo huyết áp bằng tay, không phải máy tự động, bơm căng bao đo huyết áp trên cánh tay, nhưng không siết chặt lắm sẽ làm tắc mạch, để làm tăng áp lực trong các mạch máu tại khu vực này. Giữ 5-10 phút rồi xả hơi ra đột ngột. Quan sát cánh tay, nếu xuất hiện các chấm xuất huyết nhỏ dưới da, gọi là dương tính.
Ngoài ra, bé còn có triệu chứng nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt là triệu chứng hay gặp trong sốt xuất huyết.
Thứ hai, về xét nghiệm. Xét nghiệm tìm kháng nguyên sốt xuất huyết NS1 là xét nghiệm có thể giá trị phát hiện trong máu từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 9 sau khi xuất hiện sốt.
Xét nghiệm NS1 có thể phát hiện vi rút sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu tiên của bệnh, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng.
98% trẻ từ 1-10 tuổi tại TP.HCM được tiêm vắc xin sởi
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 7-10, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng 638 mũi vắc xin sởi tại 166 điểm tiêm trên toàn TP. Tính đến nay có 98% trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin sởi đã được tiêm. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đạt 98% theo kế hoạch.