Tại workshop “Khởi nghiệp – Khởi đầu địa phương – Tư duy toàn cầu” sáng 3-11, nhiều doanh nhân chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ nhiều góc nhìn, giúp sinh viên có thể rút ra bài học nếu có ý định khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là hành trình, không phải đích đến
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị và giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Đức, co-founder BCC và Better Living, cho biết Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhưng trong 5 năm từ lúc khởi nghiệp, có đến 95-97% doanh nghiệp “rơi rụng”.
Ông Đức nói đầu tiên phải khởi đầu từ địa phương gồm các yếu tố như địa lý, bản thân, thời cuộc khi khởi nghiệp.
“Chúng ta khởi đầu nhỏ với tầm nhìn toàn cầu. Muốn tư duy toàn cầu đừng quên gốc gác của mình, rồi bên trong mình có những gì như đam mê, năng khiếu, giá trị.
Sau đó mới đến sức trẻ, chương trình học, công nghệ và thông tin, các dự án thi khởi nghiệp”, ông Đức nói.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Trung Dũng – chủ tịch Công ty cổ phần DH Foods – chia sẻ về 4 lần khởi nghiệp đầy chông gai của mình. 28 tuổi, ông Dũng mở công ty thủ công mỹ nghệ. 31 tuổi, ông khởi nghiệp lần hai với số vốn âm.
Năm 2007, ông khởi nghiệp lần ba ở tuổi 45 với tâm thế người có tiền, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến ông trắng tay. Và ở tuổi 50 (năm 2012), ông lại khởi nghiệp lần bốn khi về nước sau 30 năm sống tại Ba Lan.
Lúc này, ông Dũng thành lập DH Foods với ước mơ gia vị đặc sản Việt sạch, không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo. Hiện DH Foods xây dựng thành công thương hiệu gia vị đặc sản sạch, góp phần mang gia vị Việt ra thế giới.
Ông Nguyễn Trung Dũng (chủ tịch Công ty cổ phần DH Foods)
Khởi nghiệp là hành trình, không phải đích đến. Chưa bao giờ quá muộn để bắt đầu. Cần có tư duy lớn và không ngừng phấn đấu vì mỗi hành trình khởi nghiệp đều có thể thành công nếu dám ước mơ, kiên nhẫn, học hỏi từ những trải nghiệm thực tế.
Sáng tạo và cạnh tranh bằng chất lượng
Để thành công ở thời buổi hiện đại, việc trang bị tiếng Anh trong hành trình khởi nghiệp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Anh Lê Đình Lực – CEO DOL English – kể về hành trình từ bỏ học bổng tiến sĩ tại Úc để khởi nghiệp với hệ thống dạy tiếng Anh tư duy vào năm 24 tuổi.
Sau 7 năm, vượt qua vô vàn thách thức, đến nay hệ thống DOL English đã có 18 trung tâm ở cả ba miền.
Theo anh Lực, sự thành công không đến sau một đêm, mà đến từ những thay đổi, tiến bộ rất nhỏ mỗi ngày, tích lũy trong sự nghiệp.
Sức mạnh của tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ mà còn là chìa khóa mở ra toàn cầu, khơi đậy đam mê, khát khao chinh phục giúp tiến xa hơn trong hành trình khởi nghiệp.
Theo các doanh nhân, khởi nghiệp là một hành trình chứ không phải phong trào. Do đó cần đủ ý chí và nghị lực để lỡ có “lên bờ xuống ruộng” vẫn đứng lên được.
“Có sai thì đứng lên làm tiếp, không làm cái này sẽ làm cái khác vẫn sống, tồn tại được”, ông Trung Dũng – CEO DH Foods – nói.
Còn PGS.TS Trần Hữu Đức nói khởi nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, tạo chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt.
“Khởi nghiệp nên có chút mạo hiểm nhưng phải cẩn thận. Chân đạp đất nhưng mắt phải nhìn xa thì mới đi tới được.
Chúng ta cạnh tranh bằng chất lượng không thể thay thế, chứ không nên cạnh tranh bằng giá vì về lâu dài sẽ không có lợi, thậm chí gây hại cho start-up của mình”, ông Đức nhận định.