Tháng 12-2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt cô gái là Tống Thị Tùng Linh (sinh năm 2001, trú TP Bà Rịa) mức án chung thân về tội “giết người”, 3 năm tù về tội “mua bán trái phép chất độc”, 3 năm tù về tội “hủy hoại tài sản”.
Tổng hợp hình phạt, Linh lãnh án chung thân. Người bán hàng cho cô là Trần Thị Ngọc Thư bị tuyên 2 năm tù về tội “mua bán trái phép chất độc”.
Nhập nhằng giữa hóa chất dùng trong công nghiệp và thực phẩm
Hơn 2 năm sau vụ án chấn động này, hoạt động mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên vẫn khó quản lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng Kinh tế quận 5 xác nhận hoạt động tại chợ Kim Biên hiện không thay đổi nhiều so với các năm trước, vẫn chưa di dời các hộ kinh doanh hóa chất như định hướng.
Theo vị này, ngành hàng kinh doanh tại chợ khá đa dạng như đồ gia dụng, mỹ phẩm, hóa chất…, trong đó lượng sạp kinh doanh hóa chất không nhiều. Tuy vậy, hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên ngoài tuân thủ luật kinh doanh chung, các tiểu thương còn phải đáp ứng các tiêu chí an toàn, kho bãi… mới được cấp giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, chính quyền cũng thường xuyên phối hợp các lực lượng khác để tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, kiểm tra giấy tờ, điều kiện kinh doanh hóa chất… tại điểm bán nhưng vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.
“Nhiều tiểu thương mở cửa hàng tại chợ nhưng chủ yếu chỉ để kết nối với khách, còn lại hoạt động mua bán và giao hàng diễn ra ở bên ngoài chợ, thậm chí ở quận khác, hoặc mua bán qua kênh online nên ít nhiều gây khó cho hoạt động quản lý”, vị này nói.
Để việc kiểm tra quản lý mua bán hóa chất đạt hiệu quả cao hơn cần có sự phối hợp thường xuyên giữa các ban ngành, đặc biệt vai trò của ngành quản lý thị trường.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh hóa chất tại TP.HCM cho rằng cái khó hiện nay là sự nhập nhằng giữa hóa chất dùng trong công nghiệp và thực phẩm.
Do việc giám sát lỏng lẻo, quy định nhà nước chưa bao quát hết dẫn đến hoạt động mua bán và sử dụng vẫn còn dễ dãi, từ đó hóa chất công nghiệp được người dùng dễ dàng “hô biến” để dùng cho thực phẩm, cho mục đích xấu.
“Là ngành kinh doanh có điều kiện nên chúng ta phải kiểm tra chặt hơn, chế tài nặng hơn. Chẳng hạn khi mua hóa chất phải có giấy giới thiệu, phải cam kết về mục đích sử dụng, không được sang chiết dưới bất kỳ hình thức nào”, đại diện doanh nghiệp nói.
Nhiều hung thủ sử dụng xyanua là nữ
Ở Việt Nam, có năm vụ giết người bằng chất độc xyanua gần đây gây rúng động dư luận. Đến nay, tất cả những sát thủ trên đều là nữ.
Trước vụ Tống Thị Tùng Linh giết cha, một vụ án giết người bằng xyanua khác đã gây nên sự căm phẫn trong dư luận tỉnh Thái Bình. Năm 2019, Lại Thị Kiều Trang có quan hệ yêu đương bất chính với anh rể.
Thấy có lỗi với vợ, tháng 10-2019 anh rể đề nghị chấm dứt mối quan hệ, Trang không đồng ý và ghen tuông khi thấy anh rể quan tâm chăm sóc vợ con. Từ đây, Trang lên kế hoạch giết vợ anh rể (chị họ mình) đang công tác tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.
Trang lên mạng đặt mua xyanua. Sau đó biết chị họ thích uống trà sữa, ngày 2-12-2019 Trang mua 6 ly trà sữa, bơm xyanua vào 4 ly và ship đến Bệnh viện Phổi Thái Bình để giết chị họ. Chị họ không có ở bệnh viện và nhờ đồng nghiệp nhận giúp.
Sáng hôm sau, chị N.T.H. – đồng nghiệp của chị họ Trang – thấy trà sữa trong tủ lạnh đã lấy uống và tử vong. Tháng 7-2020, tòa đã tuyên phạt Trang án tử vì tội giết người.
Mua bán online sôi động
Ngoài mua bán trực tiếp, hiện việc mua bán hóa chất thông qua các hội nhóm online diễn ra rất sôi động và gần như thiếu sự giám sát.
Vào một fanpage Facebook với hơn 22.000 thành viên hay một hội với hơn 49.000 thành viên, dễ dàng thấy nhan nhản những bài đăng trao đổi thông tin, rao bán về phụ gia, hóa chất.
Tài khoản có tên M.T. đăng bài bán: “Phụ gia Carfosel 994-STPP(Sodium Tripolyphosphate) Bỉ _bao 20kg, chất tạo dai giòn cho thực phẩm, công dụng chống mất nước, tăng trọng dùng trong chế biến thủy sản, thực phẩm, ngoài ra còn làm tăng độ dai trong chế biến chả thịt, chả cá”.
Hoặc một tài khoản khác cũng đăng bán chất Carrageenan một cách vô tư và quảng cáo: “Đây là chất dùng để tăng độ giòn dai, kết dính cho giò chả…”.
Theo quy định, nhiều chất phụ gia được phép dùng trong chế biến thực phẩm nhưng phải đảm bảo liều lượng và cách dùng theo quy định. Tuy nhiên, với cách mua bán dễ dàng, gần như không có cảnh báo, lưu ý liều lượng, cách dùng như hiện nay, nhiều người cho rằng việc giám sát để đảm bảo hoạt động mua bán đúng theo quy định đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt ở kênh online.
Tương tự, khi liên hệ một tài khoản trên fanpage Facebook và đặt vấn đề cần mua xyanua với lượng lớn, người bán cho biết hiện hàng không sẵn có nhưng cam kết sẽ sớm tìm nguồn với giá rẻ và ship tận nơi.
Dù xyanua là chất độc, từng gây ra nhiều vụ chết người, nhưng người bán này lại không hề có thái độ trốn tránh, dè dặt khi có khách hỏi mua, thậm chí không quan tâm mục đích sử dụng và không đưa ra những khuyến cáo cần thiết.
* Luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người bán
Xyanua là hóa chất nguy hiểm, có tính độc cao nên việc mua bán phải có phiếu kiểm soát thể hiện thông tin cá nhân người mua người bán, số lượng, mục đích, chữ ký…, đồng thời phải được các bên lưu giữ ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, căn cứ theo điều 23 Luật Hóa chất 2007.
Căn cứ điều 21 nghị định 71/2019 ngày 30-8-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp thì người mua bán xyanua vi phạm quy định về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 100.000 đồng – 1 triệu đồng.
Nếu trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh hoặc việc mua bán không đáp ứng yêu cầu quy định thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “mua bán trái phép chất độc” theo quy định tại điều 311 Bộ luật Hình sự.