TP.HCM luôn ồn ào, náo nhiệt, kể cả khi về đêm. Sự ồn ào góp phần làm cho thành phố này thêm sống động, thú vị.
Và đang có một “thế giới khác” về đêm, mà những người làm việc ca 3 cho rằng nó tạo động lực, hiệu quả hơn trong công việc và học tập hơn hai ca còn lại trong ngày.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của bạn đọc Trần Thị Phượng.
Quán cà phê như một văn phòng làm việc ca 3
Theo lịch, sáng mai là deadline (hạn nộp bài) của một dự án mà tôi nhận làm thêm bên ngoài để tăng thu nhập.
Bây giờ đã là 23h45, chuẩn bị bước sang ngày mới, chiếc laptop cũng sắp gập lại để nghỉ ngơi nhưng công việc vẫn chưa xong, một người trong team gợi ý nhóm tôi ra quán cà phê ngồi làm tiếp.
Tôi nghĩ giờ này quán nào mà còn mở cửa. Thế rồi tôi và hai thành viên khác trong nhóm cũng bị thuyết phục để ra khỏi giường và “đi uống cà phê lúc 12h khuya”.
Quán cà phê cũng gần nên tôi chọn dịch vụ đặt xe ôm công nghệ, đón tôi là một cậu sinh viên năm hai. Qua vài câu trò chuyện, biết được cậu sinh viên này cũng đang làm ca 3 – sáng đi học, chiều phụ quán trà sữa, tối chạy xe ôm công nghệ.
Và tôi là vị khách đầu tiên tối nay. Công việc chạy xe ôm công nghệ không chỉ giúp cậu sinh viên này có thêm thu nhập trả tiền thuê phòng hằng tháng, mà còn có xe đến giảng đường mỗi ngày.
Nhóm tôi chọn một quán cà phê mở 24 giờ trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp.
Điều bất ngờ đầu tiên, chúng tôi phải xếp hàng mua cà phê lúc mà ai cũng nghĩ tất cả mọi người đều đã say giấc. 1h sáng, tôi còn ngạc nhiên hơn khi vẫn có những nhóm khách mới liên tục vào quán, dường như ca 3 đã bắt đầu.
Trên vai ai cũng balo, cũng laptop lỉnh kỉnh bước vào, xếp hàng mua thức uống tại quầy, rồi mở laptop, và tiếng thảo luận, tiếng gõ phím bắt đầu rôm rả.
Quán cà phê bây giờ như một văn phòng làm việc của một công ty đa quốc gia, đa lĩnh vực, khác xa so với khái niệm cà phê mà thế hệ 9X đời đầu như tôi tưởng tượng, mặc dù chỉ mới hơn 1h sáng.
Một “thế giới khác” về đêm
Mắt tôi đã nhíu lại vì hiếm khi thức khuya như hôm nay, vậy mà nhóm bạn trẻ gen Z ngồi đối diện vẫn còn tranh luận rất sôi nổi, làm cho cơn buồn ngủ của tôi cũng tan biến.
Phương Uyên – sinh viên năm 3 một trường đại học ở TP.HCM – chia sẻ: “Đây là quán ruột của nhóm em. Mặc dù không có bài tập nhóm, tụi em vẫn hẹn nhau 23h mỗi đêm xách laptop ra đây ngồi học và nhận làm thêm các dự án partime (bán thời gian) đến khoảng 2h sáng mới về.
Ở nhà, em cảm thấy rất lười biếng, không có động lực tự học và khoảng 21h là đã muốn đi ngủ rồi. Ra quán cà phê 24 giờ, tụi em cảm thấy như quỹ thời gian của mình dài thêm, có nhiều thời gian để làm nhiều việc khác, và ra đây thì có động lực học và làm việc hơn”.
Thật không may khi con chuột máy tính không dây của tôi đột ngột hết pin. Tôi phải hỏi thăm những vị khách đang ngồi trong quán với vận may có ai đó còn dư có thể cho tôi mượn. Vì lẽ đó, tôi có dịp làm quen bắt chuyện với Vy – một freelancer lĩnh vực digital marketing.
Vy năm nay 35 tuổi nhưng cùng suy nghĩ với những bạn trẻ gen Z là những văn phòng ảo, không gian mở, địa điểm kinh doanh mở cửa 24/7 đang là địa điểm làm việc lý tưởng với những người muốn tận dụng tối đa thời gian trong ngày.
Tại đây, họ có một cơ sở vật chất đáp ứng đủ, một môi trường đủ ồn ào sôi động không khác gì văn phòng làm việc của một công ty.
Nghỉ giữa ca tầm 15 phút cho đỡ mỏi mắt, Vy chia sẻ, ngồi làm việc vậy thôi chứ điều lo nhất là sức khỏe. Vy vẫn phải đảm bảo ngủ một ngày ít nhất 5 tiếng để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, cứ 6 tiếng ăn nhẹ một lần và đảm bảo 3 bữa chính.
Những ngày nhiều việc, Vy cố gắng làm cho xong vì thiếu ngủ là kiểu gì cũng cảm nhẹ. Vy coi quán cà phê mở 24 giờ này là văn phòng riêng để làm việc, để tiếp đối tác đã hơn 2 năm nay.
Tôi chỉ trụ được đến gần 3h sáng rồi về để đảm bảo sức khỏe và năng lượng cho ngày làm việc mới, đó cũng là lúc các bạn nhân viên của quán đổi ca cho nhau.
Tận dụng tối đa thời gian trong ngày
Tận dụng quỹ thời gian về đêm để làm việc không phải là mới mẻ ở Việt Nam và thế giới. Trước đây, khi mô hình siêu thị 24 giờ nở rộ tại TP.HCM và các thành phố lớn, nhiều siêu thị này cũng định hình phục vụ 24 giờ.
Tuy nhiên không gian của mô hình này khá nhỏ, sức chứa chỉ khoảng 10-15 khách, gặp khó trong việc triển khai công việc và gặp gỡ đối tác.
Anh Thế Nguyên – một du học sinh 5 năm tại Nhật ngành F&B (kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống) – cho rằng đã từ lâu việc làm thêm ca đêm (từ 22h đến 6h) là quá đỗi bình thường ở Nhật.
Thậm chí, ca này thường xuyên “cháy hàng” vì quá nhiều người trẻ đăng ký làm. Họ tận dụng thời gian ban ngày để đi học, đi làm cho nên thời gian sau 22h hầu như ai cũng trống và có nhu cầu tận dụng khoảng thời gian này để kiếm thêm thu nhập.
Không ít người bạn của tôi vẫn làm việc 8 tiếng văn phòng giờ hành chính và tận dụng thời gian buổi tối để đi dạy thêm, làm thêm, tuy nhiên thời gian cũng chỉ từ 60 – 120 phút.
Trải nghiệm làm việc ca 3 gần như xuyên đêm là một thử thách với sức khỏe và thay đổi đồng hồ sinh học của mỗi cá nhân.
Và đó là một phần của cuộc sống TP.HCM phồn hoa!