Mỹ và Úc ở đường đua xanh
Xuyên suốt 32 kỳ Olympic đã có 589 bộ huy chương được trao ở môn bơi lội. Trong số đó, Mỹ đoạt đến 257 HCV, tức chiếm đến 43,6% tổng số chức vô địch của đường đua xanh. Quốc gia hạng nhì ở môn bơi là Úc, hoàn toàn kém xa với chỉ 69 HCV. Từ năm 1992 đến nay, Mỹ luôn là đoàn thể thao áp đảo đường đua xanh tại các kỳ Olympic.
Nhưng sự thống trị đó đã bị thách thức nghiêm trọng trong vài năm qua. Ở Olympic Tokyo 2020, Mỹ suýt nữa mất ngôi đầu vào tay Úc. Họ thậm chí đã thua trắng ở đường đua của nữ, khi chỉ giành vỏn vẹn 3 tấm HCV so với 8 của Úc. Ở đường đua nam, Caeleb Dressels, Robert Finke cùng các đồng đội giúp Mỹ gỡ gạc thể diện, tạo ra tỉ số HCV chung cuộc là Mỹ 11 – Úc 9.
Nhưng chỉ 2 năm sau đó, Úc đã thành công lật đổ Mỹ ở nhóm môn bơi lội tại Giải vô địch thể thao dưới nước 2023 (không tính các môn như nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật…). Họ thậm chí thắng với tỉ số HCV là 13-7, một chiến thắng gây sốc làng bơi thế giới.
Đến đầu năm nay, Mỹ gỡ gạc với 8 tấm HCV, so với 3 của Úc. Nhưng đây là chiến thắng chẳng mấy ý nghĩa, bởi giải bơi thế giới đầu năm nay lại bị xem là “hạng B” do tính bất thường. Lần đầu tiên trong lịch sử, giải bơi thế giới lại diễn ra cùng năm với Olympic. Tất cả các ngôi sao hạng A của cả Mỹ lẫn Úc vì thế đều vắng mặt để tập trung cho Olympic.
Trên đất Pháp mùa hè này, cuộc so tài chính thức sẽ diễn ra cho vị trí số 1 đường đua xanh thế giới.
Tìm người thách thức ở môn bóng bàn
Trong hơn 30 môn thể thao thường xuyên xuất hiện tại các kỳ Olympic, bóng bàn là môn một chiều nhất khi hoàn toàn nằm trong tầm tay người Trung Quốc. Trong tổng số 37 bộ huy chương được trao qua 9 lần tổ chức bóng bàn ở Olympic, Trung Quốc đoạt đến 32 – chiếm đến 86,4%.
Tại Olympic Tokyo, Nhật Bản tạo nên dấu ấn khi giành HCV nội dung lần đầu xuất hiện tại Olympic là đôi nam nữ hỗn hợp. Nhưng 4 nội dung còn lại vẫn hoàn toàn nằm trong tay người Trung Quốc. Ở hệ thống các giải đấu lớn diễn ra trong những năm tiếp theo, người Trung Quốc lại thâu tóm gần như toàn bộ các danh hiệu.
Tomokazu Harimoto, tay vợt 21 tuổi của Nhật Bản, đã sa sút đáng kể trong những năm gần đây và rớt từ vị trí số 2 thế giới xuống số 8. Tại Olympic 2024, cái tên khả dĩ cạnh tranh được với những tay vợt Trung Quốc lại đến từ nước chủ nhà – “thần đồng vợt dọc” Felix Lebrun.
Còn chưa đến tuổi 18 nhưng tay vợt người Pháp đã gây tiếng vang với chức vô địch châu Âu 2023, đồng thời góp công lớn giúp đội tuyển Pháp giành HCB ở Giải vô địch đồng đội thế giới 2024. Hiện Lebrun xếp hạng 5 thế giới, đứng sau 4 tay vợt người Trung Quốc.
Ở các nội dung của nữ, niềm hy vọng vẫn nằm ở nhóm các tay vợt Nhật Bản – gồm Hina Hayata (hạng 5 thế giới), Miwa Harimoto (hạng 7) và Mima Ito (hạng 9).
Xem dàn sao bóng đá
Trong quá khứ, bóng đá thường không được xem trọng ở Olympic. Nhưng quan điểm đó dần thay đổi trong những năm gần đây.
3 năm trước, Brazil và Tây Ban Nha từng mang đến Nhật dàn sao U23 đình đám, rồi cả hai đều vào đến chung kết (Brazil vô địch). Còn mùa hè năm nay, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina sẽ là ba cái tên đáng chú ý hơn cả.
Theo Transfermarkt, Pháp là đội bóng đắt giá nhất ở Olympic với tổng giá trị đội hình hơn 400 triệu euro. Nhiều ngôi sao của họ hoàn toàn đủ sức tỏa sáng ở Euro như Olise, Lukeba, Mateta… Tập thể này càng thu hút chú ý hơn khi được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Thierry Henry.
Về phía tuyển Tây Ban Nha, họ triệu tập 2 cầu thủ trong 26 cái tên cùng tuyển quốc gia đăng quang Euro 2024 mới đây là Alex Baena và Fermin Lopez. Tây Ban Nha còn có nhiều cầu thủ trẻ đáng chú ý khác như Eric Garcia, Pau Cubarsi, Omorodion…
Tương tự Pháp, Argentina cũng được dẫn dắt bởi một cựu danh thủ là Javier Mascherano. Dàn ngôi sao trong tay ông có cả Julian Alvarez – trụ cột của tuyển Argentina. Alvarez cũng là ngôi sao đắt giá nhất dự môn bóng đá Olympic năm nay, khi được Transfermarkt định giá đến 90 triệu euro.
Điền kinh, thể dục dụng cụ luôn nóng
Bên cạnh bơi lội, điền kinh cùng thể dục dụng cụ cũng là hai môn thể thao sở hữu nhiều bộ huy chương và thu hút nhiều sự chú ý.
Ở Olympic Tokyo, Trung Quốc đã đánh bại Mỹ để lấy lại vị thế số 1 của họ ở môn thể dục dụng cụ. Đó là lần thứ 3 trong 4 kỳ Olympic gần đây nhất Trung Quốc dẫn đầu ở môn thể thao đẹp mắt này. Chiến thắng đó một phần nhờ vào việc ngôi sao tuyển Mỹ – Simone Biles – bỏ hàng loạt trận chung kết vì sức khỏe tinh thần. Ở Olympic năm nay, Biles đã trở lại trạng thái sung sức và sẵn sàng giúp Mỹ “phục thù”.
Ở môn điền kinh, cuộc đua hấp dẫn nhất vẫn là đường chạy 100m. Đã 8 năm kể từ khi Usain Bolt chia tay Olympic nhưng ngôi vị “người chạy nhanh nhất hành tinh” vẫn bỏ trống khi tấm HCV liên tiếp đổi chủ qua các giải đấu lớn.
Tại Giải vô địch thế giới 2017, Justin Gatlin là người chiến thắng, nhưng anh mất ngôi vào tay Christian Coleman vào năm 2019. Tại Olympic 2020, chân chạy người Ý Marcell Jacobs bất ngờ giành HCV, và rồi vị trí số 1 lại luân phiên đến các chân chạy người Mỹ Fred Kerley, Noah Lyles ở hai giải thế giới vào năm 2022, 2023.