Những mánh khóe để ‘phù phép’ kết quả đăng kiểm

Đăng kiểm viên đã sử dụng các “thủ thuật” trong từng công đoạn kiểm định để làm sai lệch kết quả, “phù phép” xe không đạt được cấp chứng nhận kiểm định (Ảnh minh họa)

Đối với xe đã chi tiền, các đăng kiểm viên dùng nhiều ‘thủ thuật’ để chiếc xe từ không đạt trở thành đạt yêu cầu kiểm định.

Chi tiền cho đăng kiểm, được bỏ qua lỗi

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (phường Tân Biên, TP Biên Hòa).

Lương Minh Tú – 43 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm đăng kiểm 60-04D – cùng 11 thuộc cấp bị truy tố về tội “nhận hối lộ”.

Ngoài ra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng truy tố 3 bị can Lê Tiến Trung (44 tuổi), Võ Chí Giang (40 tuổi) và Nguyễn Duy Khang (47 tuổi) về tội “đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng, trung tâm có hai dây chuyền kiểm định gồm: dây chuyền kiểm định xe du lịch (dây chuyền kiểm định loại 1 – kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2 tấn) và dây chuyền kiểm định xe tải (dây chuyền kiểm định loại II – kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 13 tấn).

Quy trình kiểm định xe tại đây theo quy định của Bộ Giao thông vận tải gồm 5 công đoạn, gồm: kiểm tra nhận dạng, tổng quát; kiểm tra phần trên của phương tiện; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường và kiểm tra phần dưới của phương tiện.

Hai dây chuyền do hai đăng kiểm viên bậc cao là Lê Khánh Phương và Nguyễn Thanh Hải phụ trách. Hằng tháng các đăng kiểm viên ở hai dây chuyền luân chuyển qua lại, công đoạn do mỗi đăng kiểm viên thực hiện cũng được thay đổi hằng tuần.

Thực hiện chỉ đạo của Tú trong việc bỏ qua các lỗi khi kiểm định đối với các xe đã chi tiền, các đăng kiểm viên đã không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định, mà sử dụng các thủ thuật trong từng công đoạn kiểm định để làm sai lệch kết quả kiểm định.

Đối với công đoạn kiểm tra khí thải môi trường, theo quy định khi đưa xe vào kiểm tra, đăng kiểm viên sẽ khởi động xe, đạp ga liên tục 4 lần để máy đo ghi nhận mức độ khí thải, cho ra thông số kỹ thuật. Sau đó đăng kiểm viên đối chiếu với thông số kỹ thuật tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.

Tuy nhiên với xe đã chi tiền để bỏ qua lỗi không đạt, đăng kiểm viên sẽ dùng thủ thuật làm sạch ống xả bằng cách gõ vào ống xả rồi đạp ga mạnh trước khi đưa xe vào máy đo.

Nhận hối lộ hơn 2,3 tỉ đồng

Ngoài ra đăng kiểm viên cũng có thể đạp ga từ từ đến khi có kết quả đạt, hoặc dùng tay che một phần máy đo để hạn chế tiếp xúc với khí thải của xe, từ đó cho ra kết quả đạt về khí thải.

Đối với công đoạn kiểm tra phanh, theo quy định khi đưa xe vào vị trí kiểm tra phanh, đăng kiểm viên cho xe chạy trên bàn phanh rồi đạp phanh để máy đo cho ra thông số kỹ thuật. Sau đó đối chiếu với thông số kỹ thuật tiêu chuẩn sẽ kết luận đạt hay không đạt.

Với các xe đã chi tiền, nếu phanh yếu (không đạt) đăng kiểm viên sẽ điều chỉnh cho bánh xe sát vào máy đo để tăng độ ma sát, dùng thêm phanh tay hoặc cài số lùi để cho ra kết quả đạt. Trường hợp đã sử dụng các cách thức trên nhưng vẫn không đạt thì đăng kiểm viên sẽ dùng xe cùng trọng lượng, có phanh đạt tiêu chuẩn để đưa vào đo thay.

Công đoạn kiểm tra gầm, kiểm tra tổng thể (kích thước), kiểm tra đèn xi nhan, đèn thắng được kiểm tra bằng mắt thường, quan sát trực quan. Theo quy định, nếu cấu tạo, kích thước, hoạt động bình thường, đúng quy định thì là đạt.

Với xe đã chi tiền, vì kiểm tra trực quan, không ghi nhận kết quả lên hệ thống nên đăng kiểm viên sẽ trực tiếp kiểm tra và kết luận đạt, bỏ qua các lỗi như đôn nhíp, ốc vít lỏng, đèn mờ, cơi nới thùng xe tải (từ 20-30cm)…

Với công đoạn kiểm tra đèn bằng máy, theo quy định khi đưa xe vào kiểm tra, đăng kiểm viên đưa máy đo đến từng đèn để đo. Sau đó đối chiếu với thông số kỹ thuật tiêu chuẩn để kết luận đạt hay không đạt.

Với các xe đã chi tiền, nếu thông số đèn chiếu sáng không đạt, đăng kiểm viên sẽ sử dụng kết quả đo của đèn đạt cho cả hai đèn, hoặc sử dụng kết quả đo đèn của xe khác có đặc điểm tương tự để kết luận đạt.

Bằng thủ đoạn này, trong năm 2022 Tú và thuộc cấp đã nhận hối lộ hơn 1,4 tỉ đồng từ các chủ xe để bỏ qua lỗi không đạt.

Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, Lương Minh Tú cùng 2 phó giám đốc và 6 đăng kiểm viên còn khai nhận trong năm 2020 và 2021 đã nhận của các chủ xe nhằm bỏ qua lỗi kỹ thuật khi đến đăng kiểm tại Trung tâm 60-04D với tổng số tiền 980 triệu đồng.

Kết quả điều tra chưa đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị can, nên viện kiểm sát không truy tố các bị can về hành vi nhận hối lộ trong năm 2020 và 2021.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *