1.200 phần quà (2 triệu đồng/phần) đã được gửi tận tay các hộ dân chịu nhiều ảnh hưởng bởi bão lũ tại hai tỉnh này.
“Với tôi một đồng bây giờ cũng rất quý”
Nghe tin có đoàn từ TP.HCM đến hỗ trợ vùng lũ, bà Triệu Thị Chiều (ngụ xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa) đã dậy từ sớm, đi bộ 6km từ nhà đến Trung tâm Y tế xã Bình Phú để được thăm khám.
Cảm kích – bà dùng từ ấy để nói về cảm xúc của mình sau khi được thăm khám, dặn dò tận tình từ bác sĩ, nhận được thuốc và cả quà gồm nhiều loại nhu yếu phẩm.
Bão Yagi làm sạt lở hết nương ngô, vốn là sinh kế chính của cả nhà bà. Căn nhà cũng bị sạt lở sát góc nhà khiến gia đình bà sống trong thấp thỏm.
“Giờ cũng đã hết mùa ngô nên chẳng biết làm gì tiếp theo”, bà Chiều nói.
Nhìn cảnh các tình nguyện viên tất tả bốc dỡ hàng, quà đưa vào Nhà văn hóa xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), bà Nguyễn Thị Cậy ứa nước mắt.
“Của cho không bằng cách cho, thấy các bạn lặn lội từ miền trong ra đến đây khiến tôi rất xúc động”, bà Cậy tâm sự.
70 tuổi tròn, cả đời đã sống ở xã này nhưng trận lũ vừa rồi với bà Cậy thật khủng khiếp và chưa từng thấy. Nước lũ lên nhanh, ngập vào nhà khiến vợ chồng già không kịp trở tay.
Nhiều vật dụng như máy giặt, tủ lạnh, xe máy… ngâm nước nhiều ngày liền, hư hỏng gần hết dù đã được hỗ trợ kê lên cao.
“Sống được đến giờ cũng nhờ mấy gói mì tôm được cho, cứ thế bóc ra ăn sống thôi. Với tôi lúc này một đồng cũng rất quý, càng xúc động khi biết đây là tình cảm của đồng bào miền trong gửi ra”, bà Cậy nói.
Nỗ lực hết mình, mong bà con sớm nguôi ngoai
Từ sớm ngày 20-9, việc thăm khám bệnh, cấp phát thuốc đồng loạt diễn ra tại một số địa bàn của cả hai tỉnh nói trên.
Bác sĩ Đặng Quang Toàn (khoa nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ mục tiêu hoàn thành 1.000 lượt khám ở Tuyên Quang. Cả đoàn quyết tâm sẽ dốc hết sức hỗ trợ bà con.
Nói lý do đăng ký tham gia tình nguyện đợt này, chị Kiều Oanh (kinh doanh tự do tại quận Phú Nhuận) rất tự nhiên: “Thấy bão lũ khủng khiếp quá nên muốn đi giúp một tay”.
Chị bảo nhìn vết hằn của mực nước còn trên tường Trạm y tế xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) mà không khỏi ớn lạnh. Nhận cái bắt tay của bà con, chị nói thấy “vui một chút” bởi không hoài phí đã bỏ công việc để đi Lào Cai chuyến này.
“Bà con đã chịu đựng quá nhiều, mà những giúp đỡ của mình rất nhỏ bé thôi. Tụi mình sẽ nỗ lực hết sức, chỉ mong bà con sớm nguôi ngoai, ổn định cuộc sống”, chị Oanh bộc bạch.
Với sinh viên Nguyễn Thị Trúc Lam (22 tuổi, Trường đại học Sư phạm TP.HCM), ngay khi nghe tin Thành Đoàn TP.HCM cho đăng ký tuyển tình nguyện viên tham gia khắc phục hậu quả bão lũ, Lam nghĩ đây chính là cơ hội để góp sức chia sẻ với đồng bào mình.
Tham gia hỗ trợ phát thuốc và trao quà ở huyện Chiêm Hóa, Lam mong muốn thông qua chuyến đi có thể phát huy tối đa tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng.
2 tỉ đồng của bạn đọc Tuổi Trẻ để cứu trợ bà con
Riêng đợt này, đội thanh niên tình nguyện TP.HCM tập trung khám chữa bệnh, tặng quà, sửa và xây nhà, dọn dẹp vệ sinh tại hai tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang
Trong đó đoàn sẽ khám bệnh phát thuốc cho 2.500 người dân, tặng mỗi tỉnh 1.200 phần quà (2 triệu đồng/phần).
Phối hợp với lực lượng tại chỗ, đoàn hỗ trợ làm nhà mới (100 triệu đồng/căn), sửa và lợp lại mái nhà cho 80 hộ dân…
Tổng kinh phí chuyến cứu trợ này hơn 5 tỉ đồng. Trong đó có 2 tỉ đồng từ nguồn đóng góp ủng hộ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ hướng về đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi.
Một số hình ảnh trong ngày hoạt động đầu tiên (20-9) của đội thanh niên tình nguyện TP.HCM hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ tại Lào Cai và Tuyên Quang: