Những thông điệp ý nghĩa gửi học trò năm học mới

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bài phát biểu trong lễ khai giảng ngày 5-9 của ThS Nguyễn Văn Phúc, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP.HCM), đã truyền cảm hứng học tập mạnh mẽ cho học sinh và cả giáo viên.

Quan trọng nhất là kỹ năng tự học

Theo đó, ông Nguyễn Văn Phúc dẫn thống kê Việt Nam có khoảng 2,7 triệu công nhân may, hơn 1 triệu công nhân da giày, gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử.

“Nhiều người dự báo trong tương lai họ sẽ mất hết việc. Và việc đó đã và đang diễn ra. Hiện nay, một con robot làm việc thay người trong các nhà máy có giá khoảng 250.000 USD nhưng trong 5-10 năm tới chỉ có giá 30.000 USD. Khi đó việc sản xuất 24/7/365 ngày trong năm ở các nhà máy không có ánh điện sẽ hoàn toàn khả thi.

Nếu các em là nhà đầu tư, là chủ sản xuất, em sẽ chọn công nhân hay robot? Kiếm đâu ra ở trên thế giới này giá nhân công đủ rẻ hơn và có thể đua được với robot về năng suất lao động?” – ông Phúc gợi mở vấn đề.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng nhắn gửi học sinh các chuyên gia dự báo sẽ có những môn học, ngành học, công việc đang là mốt, là hot hôm nay sẽ hoàn toàn biến mất trong tương lai.

“Như vậy, kỹ năng tự học và học liên tục là quan trọng nhất trong thời đại hiện nay… Vai trò của nhà trường trong thời đại bây giờ sẽ không phải là nơi để dạy kiến thức cho các em nữa, mà là dạy các em kỹ năng tự học” – ông Phúc nói.

“Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với những tính cách, những ưu – nhược điểm, khả năng tiếp nhận kiến thức khác nhau. Giáo dục bây giờ là định hướng cho học sinh kỹ năng để các em tự học những gì tốt nhất cho bản thân, để các em có thể sống tốt trong thời đại mà công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão.

Vì vậy tôi mong các thầy cô giáo và các em học sinh cần nhận thức rõ những hạn chế của mình, xem đó là cơ hội để học hỏi thêm, rèn luyện thêm…” – ông Phúc nói.

Giá trị của thời gian

Năm nay thầy Nguyễn Xuân Khang – chủ tịch hội đồng giáo dục, người sáng lập Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội – chọn chủ đề cho lễ khai trường cũng là điều thầy muốn nhắn gửi đến học trò là “Thời gian”.

Trên tấm phông trang trí của buổi lễ khai giảng ngoài dòng chữ “Lễ khai giảng năm học 2024-2025” có hình chiếc đồng hồ và chữ “Thời gian”. Bên cạnh đó là lời nhắn gửi: “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm hôm nay”.

Trong bài phát biểu ngắn tại lễ khai giảng, thầy Khang cũng nói về thời gian: “Thời gian là quãng ngày để hạt giống nảy mầm, để con người sinh ra và lớn lên. Thầy muốn nhắc học sinh rằng thời gian tự nhiên thì vô hạn, nhưng mỗi người chỉ có một số năm hữu hạn để sống. Vì thế hãy sống đừng lãng phí. Vì mỗi giây phút sống có ý nghĩa có thể làm nên những điều bất ngờ”.

“Thời gian quý hơn vàng! Hãy dùng thời gian mình có để thực hiện những hoài bão và đam mê! Thời gian, đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm hôm nay”, lời cuối của bài diễn văn nhẹ nhàng, chứa đựng nhiều điều muốn nhắn gửi đến học sinh.

Nhiều phụ huynh và cựu học sinh Trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ mỗi mùa khai trường đều chờ đợi một chủ đề, một thông điệp bất ngờ như thế.

Cùng nhau thực hiện ước mơ

Ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới, học sinh tự điền vào bảng “Mục tiêu tháng ngày – dựng xây ước mơ” theo hành trình Ươm mầm (lớp 10), Trổ bông (lớp 11) và Kết trái (lớp 12). Nhiều học sinh đã viết vào ô của lớp mình những điều dự định hướng đến như “yêu thương, đoàn kết, nhiều niềm vui” hay “kết nối”.

Các bạn lớp 12 bày tỏ những mong ước “đỗ đại học”, vượt vũ môn thành công. Một số ô lớp ghi những “ước mơ” đơn giản đúng chất học trò như mong cả lớp được đi liên hoan cùng nhau.

Tiếp nối việc ghi ước mơ trong ngày khai trường, các giáo viên chủ nhiệm và học sinh mỗi lớp cũng có kế hoạch cụ thể trong năm học và ở buổi họp phụ huynh, thầy cô chủ nhiệm cũng đề nghị phụ huynh cùng đặt ra “chương trình hành động” cụ thể để giúp các con thực hiện ước mơ như thế nào trong năm học.

Khánh thành không gian tự học, sáng tạo

Ngày 5-9, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) đã khánh thành khu tự học cho học sinh với diện tích khoảng 200m2. Không gian này có bàn ghế, những góc trang trí đẹp với hệ thống camera, WiFi.

Khu tự học là nơi học sinh có thể tổ chức workshop, tọa đàm, tự học… Đây cũng là nơi giáo viên có thể cùng nhau tổ chức các lớp học tương tác với nhiều lớp khác nhau. Đồng thời đây cũng là nơi các câu lạc bộ giao lưu, gặp gỡ, học hỏi với những cựu học sinh thành danh của trường.

Khu tự học của học sinh tại Trường THPT Lê Quý Đôn do cha mẹ học sinh trao tặng cho nhà trường. Khu tự học này sẽ hoạt động từ 7h-18h từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy sẽ hoạt động từ 7h-12h. Những ngày còn lại học sinh nào muốn sẽ đăng ký với nhà trường để nhà trường bố trí.

Sẽ cố gắng học thật tốt

Những thông điệp ý nghĩa gửi học sinh - Ảnh 2.

Từ thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), Trương Nguyễn Triệu Vy – học sinh lớp 4 Trường tiểu học thị trấn Trường Sa – chia sẻ những ngày qua Vy cùng mẹ chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục để kịp bước vào năm học mới. Vy bày tỏ vui mừng khi gặp lại bạn bè sau những tháng nghỉ hè.

“Buổi lễ khai giảng đã tiếp thêm động lực rất nhiều cho em và các bạn. Em mong các bạn cùng trang lứa ở khắp nơi trên Tổ quốc sẽ cố gắng học thật tốt” – Vy nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *