Nỗi nhớ thủ túc, nỗi nhớ tế bào

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tôi vốn “nhiều chuyện”, nhất là với ba mình, chuyện gì trên đường đời tôi đi qua cũng kể, một ý nghĩ trong đầu lướt qua, nếu mà ba đang ngồi gần đó, tôi cũng kể nốt.

Chuyện của mình, của gia đình mình thì hẳn rồi, nhưng đôi khi chuyện của người khác, xin lỗi, tôi cũng kể luôn. Kể mà không cần dặn, ba đừng nói với ai, vì tôi biết câu chuyện đến đó sẽ dừng.

1. Ba tôi, hình như trót đẻ ra một đứa nhiều chuyện, nên đời này ông cam phận làm cái hố cho tôi cúi xuống kể hết những thứ không nên kể của thế gian.

Bữa nọ tôi nói: Ba ơi, anh em nhà con X huề nhau rồi. Không cần ai xin lỗi, cũng không cần có sự kiện hay sự cố gì. Y như đủ ngày đủ tháng thì anh em bạn ấy hết giận nhau, họ quay về làm thủ túc như chưa từng xảy ra chuyện gì. Con đã nghĩ rằng, đó là phước báu đặc biệt của tình anh em ruột thịt.

Rất nhiều trường hợp có mâu thuẫn, có tổn thương, có những cái hố được đào sâu để ngăn cách không thể nào vượt qua. Nhưng con nghĩ tình thân luôn có khả năng tự liền da, tự lấp đầy những vết thương từng lõm khuyết. 

Với điều kiện mình phải để yên đó, đừng khoét sâu thêm những hiềm khích, đừng làm cho nó nhiễm trùng mà hoại tử theo thời gian…

Tôi lảm nhảm nói những thứ đang chạy chữ trong đầu mình trong một buổi trưa đứng gió. Ba tôi nằm võng gần đó, nghe tôi một hồi rồi tự nhiên a lô thật lớn: Út hả, sao cả tuần nay không về ăn cháo lòng!

Chú tôi sống cách nhà tôi chừng 7 cây số, một cuộc sống bình lặng an nhàn. Ba tôi và chú Út chưa từng to tiếng, xung đột, ít nhất trong suốt 50 năm tôi có mặt trên đời này. Có lần, tôi nói: Chán quá, lâu lâu kiếm chuyện gây nhau cho vui đi hai ông già! Hai ông ngó tôi cười, như kiểu không chấp con khùng vừa nói gì…

Ở đầu dây bên kia, tôi nghe chú Út nói: Em mới đi xét nghiệm máu, mỡ máu nhiều quá nên giờ hết dám ăn cháo lòng nữa rồi anh Năm. Để mai em chạy về chơi. Ba tôi: Ừ ừ, về đi, anh Năm mua bún cho mày ăn với nước tương! Nhớ nhen, mai về nhen! Chú Út tôi ngoan ngoãn dạ dạ rồi cúp máy!

Tôi ủa, tình anh em đậm đà như nước tương luôn ha!

Dứt lời, tiếng mẹ tôi hốt hoảng: Trời ơi anh Hai! Cả nhà tôi chạy ào lên.

Trong vô thức, bác tôi cố gắng đi bộ “mười mấy cây số” để tìm em trai mình vì nhớ. Đó, chính xác là nỗi nhớ tế bào. Nỗi nhớ từ nguồn cội.

2. Bác tôi đang đứng ở thềm nhà, mắt chớp chớp, tay cầm cây gậy run bần bật: Trời ơi tao tìm được tụi bây rồi, tao nhớ tụi bây quá!

Bác Hai tôi đã gần 90, trí óc nhớ nhớ quên quên như một vùng sương khói rồi. Hai nhà cách nhau chừng 100m nhưng sau này hai chân bác yếu, đi lại khó khăn nên các anh tôi chăm sóc rất kỹ, không cho tự ý đi ra khỏi nhà một mình. Hôm nay chắc ông anh bận tay sau nhà việc gì đó nên bác đã tự mở cửa rồi lịch xịch đi kiếm ba mẹ tôi như thế này.

Bác tôi đứng ngay bậc thềm mếu máo khóc, kiểu khóc tủi thân của trẻ con, rằng tao đi mười mấy cây số cuối cùng đã tới được nhà tụi bây. Lâu quá tụi bây không chịu ghé thăm tao!

Ba tôi cười nhẹ nhàng, dắt ông vô ngồi ghế cho khỏe chân. Ba tôi bóp bóp hai đầu gối cho anh mình rồi nói: Đi tập thể dục cho hai cái đầu gối cứng cáp hén, cuối tuần này mình làm đám giỗ cho má ngon lành nha! Em mới xuống anh hôm qua mà, mới hôm qua thôi.

Bác tôi quệt nhanh nước mắt, mặt ngơ ngác, thất thần: Ủa má mình chết rồi hả Năm? Câu hỏi vừa dứt, trí nhớ bác tôi bừng ra một vùng sáng. Ờ anh nhớ rồi, má mất sau khi bị gãy cổ xương đùi, năm đó anh 72 tuổi.

Tôi vừa gọi xuống ông anh, báo ảnh biết là bác đang ở nhà mình để anh không hết hồn chạy đi kiếm. Vài phút sau anh có mặt, tự vò đầu mình rối nùi rồi đứng nhìn cha một lúc: Ba hết mỏi chân chưa, con dắt ba về nhen…

Bác tôi nhớm chân đứng lên, ba tôi đưa tay đỡ rồi dìu ông bước xuống thềm nhà. Hai cái bóng già, một chín mươi, một tám mươi không khác nhau bao nhiêu làm tôi cay mắt. Trong vô thức, bác tôi cố gắng đi bộ “mười mấy cây số” để tìm em trai mình vì nhớ. Đó, chính xác là nỗi nhớ tế bào. Nỗi nhớ từ nguồn cội.

Rằng họ đã từng ở chung trong lòng bà tôi. Nhân dáng của họ giống nhau và dòng máu đang chảy trong người họ cũng giống nhau hơn ai hết trong cõi đời này. Cho nên khi nhớ mà không biết mình đang nhớ gì thì hình như là họ đang rất nhớ nhau…

Hốt nhiên tôi giật mình, nhà chú Út cách nhà mình tới 7 cây số lận. Liệu có khi nào mười năm nữa, vì nhớ chú quá mà ba mình lội bộ “bảy tám chục cây số” đi thăm chú như bác Hai vừa có hành trình 100m mà tưởng như mười mấy cây số ấy không?

Lo, lo thật nha. Hay là kêu chú Út dọn nhà về ở gần gần! Chứ mà đi bộ 7 cây số thôi, nghe đã ná thở rồi!

Nỗi nhớ thủ túc, nỗi nhớ tế bào - Ảnh 2.Lá thư này con chưa gửi cho ba

Con gái đây ba. Con đã viết lá thư này mãi từ mùa Tết của năm trước, lúc con về nhà ăn Tết sau nhiều năm không về. Đó có lẽ là một mùa xuân ấm áp nhất của nhà mình, với đầy đủ chúng con.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *