Mới đây, trong cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc năm 2024, Huê là nữ sinh duy nhất đoạt giải nhất với môn thủy lực.
Hai chị gái nhường cơ hội học tập cho em
“Khi nghe tin đoạt giải nhất cuộc thi Olympic cơ học toàn quốc tôi rất vui sướng. Khi biết mình là nữ duy nhất đoạt giải nhất trong cuộc thi tôi lại thêm tự hào. Đây chính là kết quả xứng đáng cho nỗ lực của cả thầy và trò trong suốt hai tháng ôn luyện” – Phạm Thị Huê, hiện là sinh viên năm 4 ngành kỹ thuật cơ khí động lực (hệ kỹ sư), Trường Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ.
Huê quê ở Hải Dương. Cha mẹ là công nhân. Hai chị gái học hết cấp III thì dừng học để đi làm kiếm tiền phụ gia đình, nhường cơ hội học tập cho các em. Việc Huê là người con đầu tiên trong gia đình vào đại học như một nguồn động lực cổ vũ cô quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
Huê cho hay từ những năm cấp II đã thấy sự hấp dẫn của môn toán và vật lý, đặc biệt là môn toán. Lên cấp III, cô từng nghĩ sẽ theo đuổi môn toán đến cùng, sau này chỉ làm công việc liên quan đến toán như nghiên cứu về toán học trong viện nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi theo học tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) tại Trường THPT Kẻ Sặt, thấy Huê say mê với nghiên cứu chất lỏng, thầy giáo dạy vật lý đã gợi ý Huê có thể học một số ngành kỹ thuật tại ĐH Bách khoa Hà Nội – những ngành nghề tưởng chừng chỉ là lựa chọn của nam giới.
“Nghe thầy định hướng, tôi bắt đầu tìm hiểu về ô tô, tàu thủy, máy bay… và cảm thấy ngành kỹ thuật cơ khí động lực khá hấp dẫn. Ngành học này rộng và có nhiều cơ hội việc làm sau này nên quyết định đăng ký xét tuyển”, Huê nhớ lại.
Mạnh dạn theo đuổi đam mê
Khi Huê dự định học ngành kỹ thuật cơ khí động lực, cha mẹ không ủng hộ nhưng cũng không phản đối. “Bố mẹ lo con gái học kỹ thuật sẽ vất vả. Định kiến kỹ thuật chỉ phù hợp với nam giới nên mẹ tôi muốn tôi học y, bố thì muốn tôi học kinh tế” – Huê cho biết.
Bạn bè, hàng xóm cũng hỏi “Tại sao con gái lại học kỹ thuật?”, “Còn nhiều ngành nhẹ nhàng, nữ tính sao không chọn?”…
Theo đuổi niềm yêu thích với động cơ học, nghiên cứu chất lỏng, năm 2020 Huê sử dụng điểm thi đánh giá tư duy xét tuyển và trúng tuyển vào ngành kỹ thuật cơ khí động lực (hệ kỹ sư). Ngày nhập học Huê sốc khi lớp có 50 sinh viên chỉ có mình cô là nữ. Đến khi ghép lớp học chương trình đại cương, lớp của Huê được ghép với lớp ô tô, lớp hàng không… nhìn xung quanh sinh viên đều là nam.
“Suốt học kỳ 1 năm nhất, chỉ có mình tôi là nữ giới trong lớp, ngại giao tiếp với bạn bè, giảng viên nên tôi luôn tìm xuống bàn cuối lớp để ngồi” – Huê kể. Kết quả học kỳ 1 năm nhất Huê chỉ đạt loại khá. Sau đó, Huê đã cải thiện bản thân, mở lòng mình với bạn bè trong lớp, hỏi thầy cô nhiều hơn.
Đặc biệt, là “bóng hồng” duy nhất trong lớp, Huê được các bạn giúp đỡ nhiệt tình trong học tập, làm việc nhóm. Nhờ vậy kết quả học tập của Huê đã cải thiện lên mức giỏi. Hai kỳ gần đây nhất Huê đạt điểm tuyệt đối 4.0.
Ngoài đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường; học bổng khuyến khích học tập các kỳ của ĐH Bách khoa Hà Nội; Huê còn đoạt giải ý tưởng sáng tạo khi tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường; học bổng của Quỹ châu Á; học bổng của Công ty Hyundai Vietnam Shipbuilding…
Nhiều nghiên cứu hữu ích cho cộng đồng
Từ giữa năm thứ hai, Huê bắt đầu nghiên cứu động lực học chất lỏng trong phòng thí nghiệm của trường. Tháng 4-2024, Huê cùng hai sinh viên đã công bố bài báo nghiên cứu mô phỏng về dòng máu ở trong động mạch vành trên tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology.
Theo Huê, đây là bài báo nghiên cứu về những thông số tìm ra áp suất, ứng suất… mà dòng máu tác động lên động mạch vành. Khi công trình nghiên cứu được đưa ra sẽ giúp các bác sĩ có thêm cơ sở chẩn đoán bệnh trong động mạch vành.
Ngoài ra, Huê còn đang nghiên cứu về mô phỏng kích hoạt điện ở trong tim, tìm ra những nguyên nhân, chẩn đoán những bệnh về rối loạn nhịp tim; tách các tế bào mang ADN ung thư, nghiên cứu về dòng máu trong cơ thể người, chuyển động của các i-on trong pin điện hóa…
“Ở Việt Nam, nhiều người thường rất ít khi đi khám sức khỏe định kỳ bởi chi phí đắt đỏ, đến giai đoạn bệnh nguy hiểm mới phát hiện ra bệnh. Điều đó thực sự rất đáng tiếc. Chính vì vậy tôi mong muốn phát triển ứng dụng của động lực học chất lỏng để giúp nhiều người có thể phát hiện bệnh, phòng chống bệnh ung thư tốt hơn” – Huê nói.
Sau khi hoàn thành chương trình tại ĐH Bách khoa, Huê đặt mục tiêu đi du học tại Mỹ hoặc châu Âu vì đây là những nước đang có nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực động lực học Huê quan tâm, theo đuổi.
Nữ học kỹ thuật không còn cá biệt
PGS Trần Xuân Bộ – giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật cơ khí động lực, Trường Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội – là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời giảng dạy Huê một số học phần. Thầy Bộ đánh giá Huê là một sinh viên thông minh, chăm chỉ, ham học hỏi, sáng tạo, không ngại khó khăn và quyết tâm giải quyết vấn đề tới cùng.
“Hiện nay, sự đa dạng của các ngành nghề, tính liên ngành trong kỹ thuật đã khiến nhiều sinh viên nữ tìm thấy sự hấp dẫn, hứng thú và phù hợp với ngành nghề kỹ thuật.
Ngày nay nói tới kỹ thuật không có nghĩa là chỉ nói về sự khô khan, nặng nề, vất vả, mà ngược lại kỹ thuật là nơi để phát huy tinh thần sáng tạo, kết tinh kiến thức để làm nên những sáng tạo kỹ thuật giúp ích cho đời sống, cho sự phát triển kinh tế, cho sự thành công của người học.
Và sự lựa chọn các ngành kỹ thuật ở nữ sinh viên không còn là điều cá biệt. Thực tế có rất nhiều sinh viên nữ đã đạt được các thành công trong ngành nghề kỹ thuật đang theo đuổi” – thầy Bộ nói.
Cần nhất sự bền bỉ
Theo Phạm Thị Huê, thực ra không có ngành học nào dành riêng cho nam hay dành riêng cho nữ. Tất cả cơ hội học tập đều được chia đều cho cả hai giới. Chỉ cần bản thân có đam mê, có cố gắng, có quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
“Tính cách cần thiết nhất của một người làm nghiên cứu là bền bỉ không bỏ cuộc. Bởi vì công việc nghiên cứu phải trải qua rất nhiều thử thách, nghiên cứu luôn đòi hỏi tính mới, chính vì vậy trong quá trình nghiên cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có cả sự nản chí vì bế tắc.
Cũng có lúc mình không thể hỏi ai, không thể nhờ ai tư vấn. Chỉ có sự bền bỉ, theo đuổi đến cùng một vấn đề mới có thể gặt hái thành công” – Huê tâm sự.