Chiều 13-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Chu Trọng Trang – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An – cho biết ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát.
“Đến thời điểm này, ổ dịch bạch hầu đã trải qua hơn 11 ngày và không phát sinh ca mắc mới. Các mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu đều cho kết quả âm tính”, ông Trang thông tin.
Ngoài bệnh nhân P.T.C. – 18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh – tử vong vào ngày 4-7 đến nay thì 119 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân bạch hầu đều được cách ly, uống thuốc kháng sinh dự phòng, sức khỏe đều ổn định, không có dấu hiệu bất thường.
Bà Nguyễn Thị Huệ – trạm trưởng Trạm y tế xã Phà Đánh – cho biết địa phương có 4 bản với khoảng 200 hộ dân. Qua điều tra dịch tễ, có 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân C., đến nay sức khỏe vẫn ổn định.
“Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu đều được cách ly theo dõi tại nhà”, bà Huệ nói và cho biết thêm địa phương đang rà soát, tiêm vét vắc xin phòng bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm phòng.
Riêng trường hợp bệnh nhân M.T.B. – 18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh – người tiếp xúc gần với C. có kết quả dương tính với bạch hầu cũng đang có tiến triển tốt.
Sau thời gian điều trị bằng kháng sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân không có triệu chứng và thể trạng ổn định nên đã chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Theo CDC Nghệ An, kết quả tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu trong mũi 5 trong 1 năm 2023 toàn tỉnh đạt tỉ lệ 90,9% (yêu cầu của trung ương tỉ lệ từ 90%), riêng huyện Kỳ Sơn chỉ đạt tỉ lệ 64,8%.
Nguyên nhân dẫn đến việc huyện Kỳ Sơn đạt tỉ lệ tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu thấp do đây là huyện miền núi, biên giới rất khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, là người đồng bào có nhiều dân tộc anh em.
Trong triển khai tiêm chủng cho trẻ vì địa hình đi lại khó khăn, xa xôi, tiếp giáp biên giới nước bạn Lào mặc dù y tế đã tổ chức tiêm chủng lưu động tại các bản làng và tại hộ gia đình hằng tháng. Hiện nay Nghệ An có 83 điểm tiêm lưu động và Kỳ Sơn có 23 điểm tiêm lưu động.
Cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân không muốn/không đưa trẻ đi tiêm phòng mặc dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng cho trẻ.
Vì vậy, trong thời gian tới ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiêm chủng lưu động tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bao phủ tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng…
Không tự ý tiêm vắc xin bạch hầu theo “bác sĩ mạng”
Ông Nguyễn Văn Thương – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An – khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi bệnh bạch hầu đã có thuốc kháng sinh điều trị, có thuốc kháng độc tố bạch hầu và có vắc xin phòng bệnh.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông không chính thống, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế trong vùng có dịch.