Theo The Guardian, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể góp phần gây vô sinh, nhưng chưa rõ liệu các độc tố ảnh hưởng đến nam hay nữ nhiều hơn.
Các nghiên cứu này cũng chưa xác định được tổn thương xảy ra ở thời điểm nào trong quá trình thụ thai.
Chất ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh
Người ta thường giả định rằng ô nhiễm không khí gây hại cho phụ nữ nhiều hơn, nhưng nghiên cứu mới cho thấy tiếp xúc của người cha cũng là một vấn đề.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát khoảng 1.400 nam và nữ đang cố gắng có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Điều này cho phép các nhà nghiên cứu xem xét các noãn bào, sau đó phát triển thành trứng, và tinh trùng được phát triển tách biệt với nhau, trong những khu vực vật lý khác nhau.
Các tác giả đã xem xét dữ liệu chất lượng không khí ở nơi sinh sống của người tham gia và tại các phòng khám thụ tinh.
Kết quả cho thấy tiếp xúc với carbon hữu cơ và bụi mịn trong các chu kỳ phát triển trứng và tinh trùng có tác động tiêu cực lên khả năng sống sót của trứng, thụ tinh và chất lượng phôi.
“Chúng ta thường không nghĩ đến tác động của việc tiếp xúc ở nam giới trong giai đoạn trước thụ thai, nhưng những tác động này rất quan trọng, không chỉ đối với khả năng sinh sản mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con cái sau này”, Audrey Gaskins, nhà nghiên cứu tại Đại học Emory và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Ô nhiễm “tấn công” phòng khám
Theo các nhà nghiên cứu, tiếp xúc với carbon hữu cơ, một thành phần của bụi mịn, trong giai đoạn kích thích buồng trứng dường như khiến trứng khó sống sót hơn.
Bụi mịn là một chất ô nhiễm không khí phổ biến được tạo ra từ các phương tiện sử dụng dầu diesel, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp khác, cũng như khói từ cháy rừng.
Gaskins cho biết một nghiên cứu trước đó phát hiện rằng vợ của các cảnh sát giao thông tại Ấn Độ, nơi mức độ ô nhiễm không khí cao, có tỉ lệ mang thai thành công thấp hơn.
“Nghiên cứu nhấn mạnh các tác động ngắn hạn trong những giai đoạn quan trọng cũng rất đáng lưu ý”, Gaskins nói. “Khói từ cháy rừng chứa nhiều carbon hữu cơ, vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng”, bà thêm.
Ngay cả chất lượng không khí bên trong các phòng khám cũng có ảnh hưởng. Nghiên cứu cho thấy mức carbon hữu cơ cao hơn trong ngày rã đông trứng liên quan đến tỉ lệ sống sót của trứng thấp hơn, trong khi mức ozone cao hơn liên quan đến tỉ lệ thụ tinh thấp hơn. Mối quan hệ này được phát hiện ngay cả khi các phòng khám có hệ thống lọc không khí.
Nghiên cứu không tìm thấy tác động đáng kể của một số chất ô nhiễm không khí khác như nitrogen dioxide.
Theo các tác giả nghiên cứu, những người đang cố gắng thụ thai có thể thực hiện một số biện pháp bảo vệ, như sử dụng hệ thống lọc không khí Hepa trong nhà, hoặc các bộ lọc lò sưởi có xếp hạng Merv cao để lọc bụi mịn.
Ngoài ra cần tránh những khu vực giao thông đông đúc, và ở trong nhà vào những ngày ô nhiễm không khí cao.