Tôi có đứa cháu nội bố mất sớm, mẹ cháu đi lấy chồng khác, nay cháu đang ở với vợ chồng tôi. Vậy vợ chồng tôi có thể làm thủ tục nhận cháu làm con nuôi được không?
Ông Lê Hoàng Quân, tỉnh Kon Tum, hỏi:
Luật gia Phạm Văn Chung trả lời về việc nhận con nuôi như sau:
Tại điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về hành vi bị nghiêm cấm gồm:
– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
– Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
– Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
– Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
– Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
– Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, theo quy định trên pháp luật cấm việc ông, bà nhận cháu làm con nuôi, nên vợ chồng ông không thể nhận cháu nội làm con nuôi.
Tuy nhiên nếu ông, bà muốn giúp cháu thì ông, bà có thể tặng, cho tài sản cho cháu khi ông, bà đang còn sống hoặc di chúc để lại tài sản cho cháu sau khi ông, bà mất.
Trường hợp ông, bà không để lại di chúc về tài sản của mình thì cháu ông vẫn được hưởng thừa kế thế vị theo điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].