Sáng 13-8 giờ Việt Nam, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có màn tái xuất rình rang trên X (trước đây là Twitter) khi xuất hiện cùng tỉ phú Elon Musk – chủ sở hữu mạng xã hội này.
Tài khoản Twitter của ông Trump đã bị khóa sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol năm 2021. Nhưng gần bốn năm trôi qua, Twitter đã sang tên đổi chủ và hiện có thể tiếp tục đóng vai trò rất lớn tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Màn song tấu của hai tỉ phú
Trong cuộc trò chuyện công khai hiếm hoi giữa hai bên, ông Trump và ông Musk đa phần tỏ ra đồng thuận trong các vấn đề như vụ ông thoát ám sát vừa qua, chuyện về nhập cư bất hợp pháp và một số quy định của chính phủ.
Tuy nhiên cuộc hội thoại kéo dài hơn hai tiếng này bị nhận xét đã tiết lộ rất ít về chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai nếu ông đắc cử. Thay vào đó, ứng viên tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa tạo cảm giác cho người nghe rằng họ vừa được dự một buổi… vận động tranh cử trực tuyến. Và xét ở góc độ này, buổi “vận động” ấy cơ bản đã thành công và tranh cãi, chính xác như hình tượng của hai nhân vật tham gia.
Theo AP, hơn 878.000 người sử dụng mạng X đã kết nối vào cuộc phỏng vấn Trump – Musk hơn 40 phút sau thời gian bắt đầu. Số liệu đếm trên X cho thấy cao điểm có tới 1,3 triệu lượt theo dõi. Trong 3 tiếng, cuộc nói chuyện trên hiển thị hơn 77 triệu lần trên X và được tương tác rất đáng kể: 340.000 lượt thích, 104.000 lượt chia sẻ lại và 318.000 bình luận.
Những con số trên mô tả khá đúng tư thế của ông Trump – người đã sẵn sàng “tuyên chiến” với truyền thông chính thống ở Mỹ từ năm 2016 và dựa vào mạng xã hội để ra các tuyên bố quan trọng. Đây cũng là một thành công cho mạng xã hội X của ông Musk khi đưa được ông Trump quay lại, một “sự kiện quảng cáo” ấn tượng.
Không khó hiểu khi cuộc trò chuyện này thu hút sự chú ý lớn. Nói như CNN, đó là màn hội thoại giữa “người giàu nhất thế giới với nhân vật từng và có triển vọng thành người quyền lực nhất thế giới”. Và sự kết hợp của họ cũng nhanh chóng bị Đảng Dân chủ cũng như người theo quan điểm chính trị cánh tả đả kích.
Với quan điểm khác biệt về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tiền điện tử, vấn đề chi tiêu công…, ông Musk bị Đảng Dân chủ ghét không kém gì ông Trump.
Truyền thông chính thống ở Mỹ đa phần xoáy vào “lỗi kỹ thuật” của X khiến cuộc gặp trực tuyến bị gián đoạn vài chục phút. Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đối thủ của ông Trump và là người bị ông Trump tấn công đôi lần trong cuộc trò chuyện trên, cũng dành lời lẽ khá nặng nề khi nói về màn gặp gỡ trực tuyến này.
“Toàn bộ chiến dịch của Trump chỉ phục vụ cho những người như Elon Musk và chính ông ta, những kẻ giàu có ám ảnh về bản thân, sẵn sàng bán rẻ tầng lớp trung lưu và là những gã không thể có sự kiện phát trực tuyến trong năm 2024” – phát ngôn viên Joseph Costello của chiến dịch bà Harris nói.
Nhân tố thay đổi cuộc chơi?
Đường vào Nhà Trắng của ông Trump từng được xem như đã rộng thênh thang sau sự kiện bị ám sát bất thành gần đây. Tuy nhiên khá bất ngờ khi bà Harris lại được đánh giá cao hơn dù chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ thay thế Tổng thống Joe Biden.
Trước khi ông Biden rời đường đua, ông Trump từng dẫn đối thủ này 3,3 điểm phần trăm. Nhưng khảo sát trung bình trên toàn quốc của tờ Hill và Công ty Decision Desk HQ cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump 0,3 điểm.
Bà Harris thậm chí dẫn sâu hơn tại các bang “chiến địa” có thể quyết định kết quả bầu cử như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Thăm dò của New York Times và ĐH Siena gần đây cho thấy bà Harris dẫn 4 điểm tại ba bang này.
Nói cách khác việc ông Trump xuất hiện cùng ông Musk trên X diễn ra giữa lúc Đảng Dân chủ trên đà thăng tiến, và sự kiện này có thể là cách ông Trump thay đổi cục diện. CNN, một đài chống Trump quyết liệt, cũng thừa nhận cựu tổng thống đã gặt hái nhiều thứ từ hai tiếng nói chuyện cùng ông Musk.
“Ông Trump có lẽ đã không thành tổng thống nếu không có Twitter (X), và sự nổi lên của ông như một thế lực chính trị vào năm 2016 trùng với giai đoạn hoàng kim của trang này. Kỹ năng của ông ta trong việc khai thác phương tiện truyền thông mới thật khác biệt với các chính trị gia còn lại, và biến bầu cử năm ấy thành một màn kết hợp độc đáo giữa một người đàn ông và thời khắc của chính ông ta”, CNN bình luận.
Tỉ phú Musk đã hứng chịu chỉ trích khi mở lại tài khoản Twitter cho ông Trump, cũng như gây tranh cãi khi ủng hộ tự do ngôn luận. Đối với Đảng Dân chủ và chính trị dòng chính ở châu Âu, ngôn luận chỉ được “tự do” trong khuôn khổ. Tự do ngôn luận không được đi cùng nguy cơ “lan truyền thông tin sai lệch và nội dung thù hằn”.
Chưa rõ liệu ông Trump có thực sự quay lại Twitter (X) hay không, vì ông đã sử dụng mạng xã hội Truth của riêng mình lâu nay. Nhưng màn xuất hiện trên X lần này có thể là cách thức trực tiếp tận dụng sự cộng hưởng giữa bản thân ông và một nền tảng vẫn còn rất quen thuộc với cử tri.
Trục trặc kỹ thuật hay tấn công mạng?
Có một chi tiết nhỏ nhưng trở nên nổi bật trong cuộc trò chuyện Trump – Musk vừa qua, khi sự kiện bị hoãn vài chục phút. Ông Musk cho rằng đó là kết quả từ việc X bị tấn công theo hình thức DDoS, tức bị đánh sập vì quá nhiều máy gửi yêu cầu cùng lúc.
Báo chí Mỹ không tin đây là một vụ tấn công mạng nhưng cũng không chấp nhận rằng X gặp trục trặc vì quá đông người truy cập, theo dõi cuộc trò chuyện trên. Một số ý kiến trên X chế giễu ông Trump khoe khoang quá đà về lượng truy cập. Ngược lại, ông Musk nói một câu đầy hàm ý: “Đa số truyền thông truyền thống sẽ coi rẻ cuộc trao đổi của ông Trump, do đó có lẽ sẽ đẩy tổng số người nghe lên vượt mức 200 triệu”.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi tin tức bầu cử tổng thống Mỹ 2024 trên Tuổi Trẻ Online tại đây.