Theo số liệu thống kê của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trong ngày 10-11 đã có khoảng 40.000 du khách đến tham quan bảo tàng.
Đáng chú ý, bên cạnh những hình ảnh ý nghĩa như các cựu chiến binh cùng đồng đội đến bảo tàng nhằm ôn lại kỷ niệm hay giới trẻ đến tìm hiểu lịch sử nghìn năm của dân tộc thì lại xuất hiện nhiều khoảnh khắc phản cảm gây khó chịu, bức xúc.
Vô tư leo trèo lên hiện vật để chụp ảnh
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, vào ngày 10-11, không khó để bắt gặp những hình ảnh người lớn, trẻ em thi nhau trèo lên xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo… ở cả bên ngoài lẫn bên trong bảo tàng để chụp ảnh.
Thay vì căn dặn, nhắc nhở để các con không đùa giỡn, leo trèo lên hiện vật, một số phụ huynh lại “hỗ trợ” cho hành động này. Thậm chí, một số người còn bế, đưa con lên ngồi, đi lại trên sa bàn mô phỏng trưng bày trong nhà bảo tàng.
Do bị tác động mạnh bởi sự thiếu ý thức của khách tham quan, một số chứng tích chiến tranh bị ngã đổ và bảng tên cũng bị gãy…
Cũng theo ghi nhận, dù nhân viên bảo tàng liên tục phát loa nhắc nhở khách tham quan không được sờ, leo trèo lên hiện vật nhưng không ngăn nổi “đám đông hiếu kỳ”.
“Các hiện vật như xe tăng, pháo trưng bày ở không gian mở, không có dây ngăn cách, có biển báo “không leo trèo, bám, tựa vào hiện vật”, nhưng nhiều trẻ nhỏ và cha mẹ vẫn vô tư trèo, ngồi, đu bám lên để chụp ảnh.
Thậm chí tôi thấy có người còn phơi quần áo ở sảnh ra vào, khu vực chờ la liệt khách ngồi ăn uống”, chị Lê Thị Yến (trú ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Còn theo anh Phan Hồng Quân (quê ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), khi anh nhắc nhở việc không nên cho con leo trèo lên hiện vật, một số cha mẹ còn tỏ thái độ thách thức.
“Một số bác có tuổi có vẻ đưa cháu đến đây chơi bị tôi nhắc còn lườm nguýt, thực sự quá bức xúc về thái độ của họ”, anh Quân kể.
Các hiện vật sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn
Thông tin với Tuổi Trẻ Online, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng phòng tuyên truyền – giáo dục bảo tàng, cho biết sau thời gian mở cửa đón khách, những ngày qua bảo tàng đã họp, đánh giá cũng như lên phương án đảm bảo tốt nhất cho công tác hướng dẫn tuyên truyền, bảo quản hiện vật trong thời gian tới.
“Bảo tàng mới bài trí nhiều hiện vật với nhiều chủ đề khác nhau trên một diện tích rộng, không nhỏ như địa chỉ cũ nên công tác hướng dẫn, bảo quản sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong thời gian đầu.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường trong việc bố trí nhân lực ở khắp các khu vực của bảo tàng, nhằm phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất”, trung tá Nguyễn Thị Lan Hương thông tin.
Những ngày qua, lượng người đổ về tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tăng đột biến, đặc biệt là dịp cuối tuần. Chính vì vậy đã không tránh khỏi hiện tượng nhiều người tham quan không tuân thủ các quy định chung của bảo tàng.
Thời gian tới, các hiện vật trưng bày, đặc biệt là các bảo vật quốc gia sẽ được lưu trữ, bảo quản và bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn, tránh tình trạng không mong muốn xảy ra.
Cũng theo trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, sau thời gian mở cửa thử nghiệm, bảo tàng đã quyết định mở cửa đón khách xuyên trưa để phục vụ người dân một cách tối đa, đặc biệt người dân ở xa.
Theo đó, bảo tàng sẽ mở cửa từ 8h30 đến 16h30 các ngày (trừ thứ hai và thứ sáu). Vì vậy, người dân, du khách ở xa có thể sắp xếp thời gian để tham quan bảo tàng một cách hợp lý, không phải đổ dồn vào cùng một thời điểm trong ngày.
Tránh tình trạng tắc đường, chen lấn trong quá trình tham quan bảo tàng.
Cũng theo thông tin từ bảo tàng, sau khi hết thời gian vào cửa miễn phí, giá vé dự kiến người lớn là 40.000 đồng; người già, học sinh, sinh viên là 20.000 đồng; bộ đội, cựu chiến binh sẽ được miễn phí.