Ngày 28-8, phiên tòa xét xử nhóm “cát tặc” hút trộm 74.600m3 cát tại khu vực Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) tiếp tục phần xét hỏi.
Trong phần trả lời thẩm vấn từ hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát, bà Phạm Thị Hoa – cựu phó chủ tịch UBND xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) – cho rằng hành vi sai phạm của bị cáo lẽ ra chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, không đến mức xử lý hình sự.
Ký giấy xác nhận ủy quyền ngoài giờ hành chính, không có bên ủy quyền
Về hành vi của bà Hoa, cáo trạng thể hiện: vào khoảng tháng 5-2022, sau khi sự việc nhóm tàu hút khai thác cát tại vùng biển Cần Giờ bị bắt thì ông Trương Văn Thắng có thông báo cho các chủ tàu biết.
Ông Thắng yêu cầu chủ tàu ký vào giấy ủy quyền lùi ngày, được đánh máy sẵn thời gian, nội dung để Thắng đại diện đứng ra giải quyết theo đề nghị của ông Trương Văn Chinh.
Ông Thắng liên hệ ông Bùi Văn Song – phó bí thư thường trực Đảng ủy và chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (chồng của chủ tàu HD-3326, bị tạm giữ) – đứng ra nhờ bà Hoa ký xác nhận vào các giấy ủy quyền cho Thắng để làm việc với cơ quan chức năng.
Ông Song cùng Thắng đến UBND xã Minh Hòa gặp bà Hoa (khi đó đã hết giờ làm việc hành chính), nhờ bà Hoa ký xác nhận giúp Thắng vào các giấy ủy quyền thì được bà Hoa đồng ý và sau khi ký xác nhận, đóng dấu xong bà Hoa đưa lại cho ông Thắng.
Thời điểm bà Hoa ký xác nhận giấy ủy quyền tại UBND xã Minh Hòa không có mặt của các cá nhân đứng tên bên ủy quyền, ngày bà Hoa xác nhận cũng được lùi ngày lại không đúng ngày ký xác nhận.
Sau đó, ông Thắng sử dụng 6 giấy ủy quyền có ký xác nhận của bà Hoa cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhằm giải quyết việc tàu hút bị bắt ngày 6-5-2022 tại biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ.
Kết quả xác minh tại UBND xã Minh Hòa được biết 6 giấy ủy quyền chủ tàu giao cho Trương Văn Thắng sử dụng 9 tàu hút do bà Hoa ký xác nhận vào thời điểm tháng 5-2022, không phải vào ngày 2-3-2022 như thể hiện trên giấy ủy quyền.
Bà Hoa thừa nhận đã ký xác nhận không đúng thực tế, không đúng về hình thức văn bản, khi chứng thực không có mặt của các cá nhân ủy quyền (chủ tàu), không lưu hồ sơ liên quan đến nội dung ủy quyền.
Việc xác nhận ủy quyền này sai quy trình, không được vào số theo dõi đúng quy định, nhưng do cả nể ông Song nên bà Hoa ký xác nhận không đúng quy định, không hưởng lợi cá nhân.
Với hành vi trên, bà Hoa và ông Song cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.
Làm sai quy định “vì phục vụ nhân dân”?
Tại tòa, bà Hoa khai báo quanh co rằng hành vi của mình xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân.
“Theo bị cáo trình bày thì bị cáo ký ngay các giấy ủy quyền để phục vụ nhân dân, vậy có quy định nào bắt buộc bị cáo phải ký giấy ủy quyền ngoài giờ hành chính không?”, hội đồng xét xử hỏi thì bà Hoa đáp: “Địa phương của bị cáo nhân sự thiếu, lãnh đạo thiếu, chuyên môn thiếu, nên bị cáo phải làm ngoài giờ hành chính…”.
Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Nếu ngày hôm đó không phải bị cáo Song nhờ bị cáo, mà chỉ có một mình bị cáo Thắng lên đưa giấy ủy quyền thì bị cáo có ký ngay lập tức không?”.
“Bị cáo sẽ xem xét và vẫn có thể ký nếu có niềm tin là đúng bởi vì cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sát dân nhất nên bị cáo nắm rất chắc, bị cáo tin tưởng thì vẫn có thể xem xét giải quyết công việc cho dân”, bà Hoa khai.
Theo hội đồng xét xử, thực tế vụ án thể hiện bà Hoa đã ký xác nhận vào văn bản ủy quyền không đúng ngày, tháng, không có bên ủy quyền, không kiểm tra.
“Nhà nước giao trọng trách cho bị cáo làm việc thì bị cáo phải làm đúng. Hội đồng xét xử ghi nhận bị cáo làm vì dân nhưng phải làm đúng chứ không thể “nhắm mắt, nhắm mũi” ký như vậy”, hội đồng xét xử nghiêm khắc.