Phước ‘khùng’ dễ thương và tiệm sửa xe dìu nhau qua những đoạn ngặt nghèo

Công việc chính của anh Phước là sửa xe máy và mua xe cũ về sửa chữa, bán lại – Ảnh: TRẦN MAI

Dịp dịch COVID-19, anh Phước bán mấy chiếc xe máy để duy trì tiệm sửa xe 0 đồng giúp bà con hồi hương. Mới đây anh lại bán xe máy để giúp một người bệnh ung thư. Mọi người hay gọi anh là “Phước khùng” và anh vẫn nhân từ như thế.

Chiếc xe và mạng người

Hành nghề sửa xe, buôn bán xe và mở tiệm trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Đức Chánh) nhưng trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Phước thường đăng những hoàn cảnh khó khăn.

Mới đây, anh Phước đăng tải việc bán chiếc xe máy cổ mà anh cực yêu thích để giúp đỡ anh Nguyễn Văn Điệp (47 tuổi, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức).

Trên Facebook, anh Phước viết “Chuyên mục bán xe kỷ niệm dành tất cả số tiền tặng hoàn cảnh anh Điệp. […] Người tính không bằng trời tính anh em ạ, ở đời chả có ai dại và ta cũng chẳng phải khôn. Chốt hạ là em bán con xe tâm huyết kỷ niệm với giá 8 triệu đồng cho anh em sưu tầm chơi, trưng bày đều được.

Tất cả số tiền sẽ dành tặng cho hoàn cảnh anh Điệp”. Ngồi trong tiệm sửa xe, anh Phước cười khà khà, bảo bán cái xe cũng tiếc vì quá nhiều kỷ niệm. Đăng 30 phút đã có người chốt. Ngay lập tức, anh Phước chuyển số tiền ấy cho anh Điệp đang điều trị ung thư tại TP.HCM.

Với anh Phước, chuyện biết anh Điệp bị ốm nặng là duyên. Bởi một người em sống gần nhà anh Điệp kể cho anh Phước nghe. Lập tức, anh Phước chạy đến nhà, thấy anh Điệp quằn quại với cơn đau trong căn nhà rách nát. Hỏi sao không đưa anh đi điều trị, chị Thì (vợ anh Điệp) thú thật: “Chị chưa sắp xếp được tiền”.

“Trong túi không còn đồng nào, nên mới đăng bán xe đó. Cái xe sao bằng mạng người được”, anh Phước tâm tình.

Vòng qua xóm nhỏ quanh co, anh Phước cùng thầy Ngô Khắc Vũ (giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2) đến nhà anh Điệp. Tiếp khách, người đàn ông mang bạo bệnh thở nặng nề bảo: “Tôi vừa uống thuốc xong, nên đỡ đau, ngồi nói chuyện được”. Nhìn toa thuốc chỉ có duy nhất morphin, cũng đủ hiểu anh Điệp nặng như thế nào.

Phước 'khùng' dễ thương và tiệm sửa xe dìu nhau qua những đoạn ngặt nghèo- Ảnh 2.

Anh Phước (phải) cùng thầy Ngô Khắc Vũ (trái) đến thăm anh Điệp – Ảnh: TRẦN MAI

Trong lời thăm hỏi, anh Phước cứ bảo anh Điệp cố lên, chết chẳng đáng sợ, sợ nhất là không ai bên cạnh, yêu thương mình. Cách nói chuyện có phần hài hước và sốc sốc của anh Phước khiến anh Điệp vui vẻ phần nào.

Xong rồi anh Phước “đá đèn” qua thầy Vũ bằng câu nói: “Anh Điệp còn hai đứa con gái, một đứa vừa thi được 27 điểm sắp vào đại học, đứa còn lại học trường thầy cũng giỏi lắm. Thầy coi lạy nhà hảo tâm nào được thì lạy, xin về cho tụi nó đi học”. Tự biên tự diễn, Phước tiếp lời: “Thầy Vũ im lặng là đồng ý giúp rồi đó anh, an tâm”.

Lúc này, thầy Vũ mới ngớ người. Thăm thẳm trong lòng, người thầy chuyên giúp học trò nghèo nhiều năm qua rất trân quý anh Phước. Thầy Vũ bảo: “Đến giờ nó còn chưa có cái nhà riêng nhưng rất yêu thương mọi người. Nó là đứa kỳ lạ, mấy lần tôi nhắc giữ tiền lo cho vợ con, nó dạ rồi đâu lại vào đấy, thấy ai khổ là móc tiền cho”.

Phước 'khùng' dễ thương và tiệm sửa xe dìu nhau qua những đoạn ngặt nghèo- Ảnh 3.

Anh Phước động viên anh Điệp, cố gắng sống vui mỗi ngày – Ảnh: TRẦN MAI

“Sống như hôm nay là ngày cuối”

Chúng tôi biết anh Phước nhiều năm qua, ấn tượng nhất về chàng trai ốm nhom này chính là cách nghĩ. Phước nói “sống như hôm nay là ngày cuối”, tận tâm, tận tình với tất cả. Có lẽ cách sống ấy mà đến giờ anh vẫn duy trì tiệm sửa xe 0 đồng dành cho học sinh. Thậm chí anh đăng số điện thoại của mình cùng lời nhắn gửi ai đi xe ban đêm dọc quốc lộ 1 và các đường lân cận bị hỏng, hãy gọi anh sẽ đến giúp miễn phí.

“Có người bảo tôi giúp người thì đừng để người khác biết, đăng Facebook làm gì. Tôi nói vậy anh đi tới hoàn cảnh này, cho thằng bé tiền đi học giúp, chứ nó khổ quá. Tôi không có nhiều tiền, đăng lên Facebook để kêu gọi nhiều người cùng giúp và cũng thông báo tiền mọi người gửi, tôi đã chuyển đến hoàn cảnh cần giúp, úm trong người ai biết tôi lấy tiền làm gì”, anh Phước tâm sự.

Trong tiệm sửa xe của mình, Phước dành nơi dễ thấy nhất làm chỗ để “thùng từ thiện”, trong đó toàn tiền lẻ mọi người đến sửa xe bỏ vào. Thấy đầy, Phước xem hoàn cảnh nào khó lại mua gạo, mắm đến cho. Mấy năm trước, anh Phước còn bỏ tiền túi hỗ trợ bốn học sinh khó khăn trong huyện Mộ Đức.

Các cháu học xong lớp 12, nhắn tin cảm ơn và từ chối nhận thêm. Anh Phước vui vì các cháu biết sống và nói: “Nói thiệt tiền sửa xe không đủ giúp, nhất là giờ tôi có vợ, sắp sinh con. Giờ chỉ giúp hoàn cảnh ngặt nghèo để họ vượt qua đoạn khó”.

Đến giờ anh Phước cũng không nhớ mình bán bao nhiêu chiếc xe để giúp đỡ người khác. Bởi anh chuyên mua xe cũ về sửa chữa, tân trang rồi bán lại. Mới đây, một người bạn điện thoại báo có người trên xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành bán xe.

Tới nơi, thấy chiếc xe quá nát, Phước từ chối mua nhưng chủ cứ nài nỉ. Hỏi ra mới biết người chồng bị té xe, đau ở sườn mấy ngày mà không có tiền đi bệnh viện khám. Thế là anh Phước điện cho một người bạn làm thiện nguyện đến, mỗi người góp 250.000 đồng, thuê xe chở đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh và viết bài kêu gọi sự trợ duyên.

Những lời cảm ơn và những tấm bảng “Ghi nhận tấm lòng vàng” của ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện trao, anh Phước để trong tiệm sửa xe đủ sức nặng đánh gục lời bàn tán “Phước khùng” làm màu. Còn nói như Phước “Làm màu riết rồi gặp nhiều người làm màu khác cũng vui lắm…”.

Phước 'khùng' dễ thương và tiệm sửa xe dìu nhau qua những đoạn ngặt nghèo- Ảnh 5.

Anh Huỳnh Văn Phước bên thùng từ thiện để trong tiệm sửa xe của mình – Ảnh: TRẦN MAI

Hạnh phúc nhất là có vợ

Với anh Phước, niềm hạnh phúc nhất là đã tìm được người bạn đời. Đến bây giờ, Phước cũng không hiểu sao cô gái xinh đẹp ấy lại chọn anh làm chồng. Phước gặp vợ trên con đường giúp đỡ người khác. Vợ anh luôn động viên chồng làm những việc ý nghĩa, mặc kệ lời người ta nói không tốt về mình.

“35 tuổi tôi mới có vợ, cuối năm nay đón con ra đời. Những lúc tôi bán xe giúp ai đó, cô ấy luôn đồng tình. Điều ấy khiến tôi vui nhưng cũng trăn trở vì giờ mình không còn kiếm tiền cho mình nữa, mà kiếm tiền cho gia đình mình. Tôi sẽ cố gắng để vợ con không cực khổ và chúng tôi giúp đỡ được nhiều người hơn nữa”, anh Phước tâm tình.

Anh lính biên phòng 9X như con dân bảnAnh lính biên phòng 9X như con dân bản

Dù ở Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) hay khi về Đồn biên phòng Sơn Hồng (Hà Tĩnh), anh lính biên phòng, thượng úy Phạm Thái Sơn đều được bà con vùng cao xem như đứa con dân bản.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *